Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát sinh nhiều sự cố đê điều

Kim Nhuệ| 08/08/2022 07:38

(HNM) - Gần đây, trên các tuyến sông Hà Nội đã phát sinh nhiều sự cố đê, kè. Quan sát tuyến kè Xâm Thị, đoạn thuộc các thôn: Xâm Dương 1 và Xâm Dương 2 (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) trong ngày 5-8, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, 4 đoạn mái và chân kè đã bị xói lở, sụt sạt, cuốn trôi với tổng chiều dài khoảng 2.150m. Ngoài đe dọa an toàn tuyến đê hữu Hồng, sự cố sạt lở kè Xâm Thị còn làm lún nứt nhiều nhà ở, công trình phụ, tường bao, đường dân sinh của hơn 150 hộ dân các thôn: Xâm Dương 1 và Xâm Dương 2.

Tương tự, trên tuyến đê tả Đuống, đoạn thuộc thôn Hạ, xã Dương Hà (huyện Gia Lâm) xuất hiện 2 vị trí sạt lở kè, 1 vị trí sạt lở bờ sông, đe dọa an toàn công trình của 330 hộ dân với khoảng 1.350 nhân khẩu và nhiều di tích lịch sử, đình, chùa... Đáng lo ngại, các vị trí sạt lở này tiếp tục phát triển về phía công trình của người dân... Nghiêm trọng hơn, khoảng 400m mái đê tả Đuống, đoạn thuộc xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) xuất hiện nhiều cung sạt trượt; trong đó, cung sạt lớn nhất dài 150m, vị trí đê sạt cách nhà ở của người dân khoảng 30m...

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), trên các tuyến sông: Hồng, Đuống, Cầu, Cà Lồ, đoạn thuộc các huyện: Thường Tín, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn đã phát sinh 10 sự cố sạt lở đê, kè, bờ sông, đe dọa an toàn hệ thống đê điều, làm hư hỏng nhiều công trình... Nguyên nhân là từ tháng 5-2022 đến nay, Hà Nội xuất hiện nhiều trận mưa lớn; hồ thủy điện Hòa Bình liên tiếp mở các đợt xả lũ; một số đoạn sông có dòng chủ lưu áp sát bờ... Bên cạnh đó, một số tuyến kè xây dựng đã lâu, chưa được cải tạo, sửa chữa; một số đoạn bờ sông chưa được đầu tư kinh phí xây dựng công trình kè bảo vệ...

Với thực trạng trên, người dân các địa phương nêu trên mong muốn các cấp, các ngành có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, nhất là thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ năm 2022... Trao đổi với phóng viên, đại diện các địa phương khẳng định đã phân công lực lượng phòng, chống thiên tai xử lý giờ đầu sự cố, như: Cắm biển cảnh báo, ngăn người và phương tiện qua lại khu vực sạt lở, vận động gia đình có nhà ở bị lún nứt nghiêm trọng sơ tán đến nơi an toàn...

“Để sớm ổn định đời sống của người dân, xã Ninh Sở rất mong các cấp, các ngành của thành phố khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục sự cố kè Xâm Thị...”, Chủ tịch UBND xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) Nguyễn Xuân Đạo đề nghị.

Liên quan ý kiến trên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, vừa qua, đoàn công tác liên ngành của thành phố đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hiểm của các sự cố nêu trên. Hiện nay, đoàn công tác đã thống nhất báo cáo đề xuất UBND thành phố Hà Nội biện pháp xử lý.

“Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống lũ thời gian tới, các địa phương cần phối hợp với cơ quan quản lý đê theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực và phân luồng giao thông nhằm hạn chế sự cố đáng tiếc có thể xảy ra...”, ông Nguyễn Duy Du đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát sinh nhiều sự cố đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.