(HNM) - Ngày 1-1-2018, Luật Du lịch có hiệu lực, trong đó có quy định về sự tham gia và trách nhiệm phát triển du lịch của cộng đồng. Vấn đề không mới, nhưng để hướng đến sự phát triển bền vững thì cần cách làm bài bản.
Khách tham quan làng nghề làm đàn xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt |
Khi người dân làm du lịch
Đến ngõ 264 Âu Cơ, Hà Nội vào những ngày cuối tuần, phải mất 15-20 phút khách mới đến được những vườn hoa nức tiếng Hà thành như Bạch Nhật, Thượng Uyển, Hiệp Vụ, Nhật Tân... Vào dịp nghỉ Tết Dương lịch, nhiều người dân ở đây được huy động để dẫn đường cho khách. Đông là thế nhưng tuyệt nhiên không có hiện tượng tranh giành khách giữa các nhà vườn.
Xuất thân trong gia đình đã 3-4 đời gắn bó với nghề trồng đào ở làng Nhật Tân, ông Nguyễn Tiến Cường cũng có một vườn đào cùng nhiều loại hoa khác rộng 3ha ở ngõ 264 Âu Cơ. Ngoài chăm đào, ông Cường còn trồng xen những giống hoa ngắn ngày, như cúc họa mi, hoa bướm, địa lan… để chuyển cho các vườn hoa đón khách. "Họ cần hoa để gối nhau, mình cung ứng, vừa giúp họ luôn có hoa vừa có thêm thu nhập khi đào chưa đến vụ” - ông Nguyễn Tiến Cường nói và cho biết thêm: Các nhà vườn ở đây đều hoạt động như vậy. Nhà nào ở vị trí giao thông thuận lợi thì phát triển mô hình vườn hoa đón khách, huy động anh em trong nhà cùng làm, mỗi người một việc như: Trang trí vườn, chụp ảnh, trông xe, bán đồ ăn… Nhà ở sâu bên trong thì trồng hoa theo đơn đặt hàng. Các làng hoa ở Quảng Bá, Nhật Tân những năm gần đây khởi sắc trông thấy nhờ dịch vụ này.
Với cách thức hoạt động tương tự, hiện nay, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm cũng có phần khởi sắc. Nhìn xa hơn, ở Tả Van, Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Mai Châu (Hòa Bình), người dân đã tổ chức các mô hình du lịch cộng đồng khá tốt.
Tuy nhiên, theo TS Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội, đa số cộng đồng dân cư khá bị động khi tham gia hoạt động du lịch. “Nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ đến mối lợi trước mắt, ép giá phòng, giá dịch vụ với du khách. Cộng đồng dân cư cũng chưa có ý thức về quyền lợi của mình, còn mạnh ai nấy làm”, TS Vũ An Dân nói.
Là người trực tiếp làm dịch vụ, ông Nguyễn Tiến Cường chia sẻ, các vườn hoa ở làng Nhật Tân hoạt động tốt, nhưng chưa chuyên nghiệp. Điều còn thiếu đó là một tổ chức chung, có thể là hiệp hội vườn đào, vườn hoa để cùng trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, tổ chức hoạt động du lịch nhằm chia sẻ quyền lợi. Hơn nữa, hình thức tổ chức vườn hoa tham quan, chụp ảnh chỉ rộ lên trong vài mùa, vài năm, nếu không có thêm sản phẩm mới thì một thời gian nữa khu vực này sẽ dần thưa khách... Có lẽ điều này là dễ hiểu, bởi thực tế cộng đồng dân cư còn thiếu kiến thức về du lịch, hầu hết hoạt động mang tính tự phát, thiếu bài bản. Những chuyện như vệ sinh môi trường, thái độ ứng xử… quyết định sự hài lòng của du khách, nhưng lại chưa được chú ý đúng mức.
Cần cách làm bài bản, khoa học
Khách tham quan xưởng dệt lụa của gia đình ông Triệu Văn Mão, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt |
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định, định hướng phát triển của TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều xác định cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường du lịch hấp dẫn. Họ tham gia giữ gìn giá trị di sản độc đáo và có tiềm năng khai thác du lịch. Mỗi người dân có thể là một hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá hiệu quả về văn hóa, lịch sử của địa phương với du khách. Chính vì vậy, việc phát triển du lịch cần có sự tham gia tích cực của người dân.
TS Vũ An Dân cũng đồng tình với quan điểm, rằng cộng đồng dân cư chính là trung tâm của phát triển du lịch. Khi tham gia hoạt động này, họ được hưởng lợi ích, từ đó có trách nhiệm hơn trong giữ gìn tài nguyên, bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự... TS Vũ An Dân đề xuất, để phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch, cần xây dựng những mô hình bài bản, khoa học. Mỗi cộng đồng dân cư nên có một ban quản lý du lịch để tổ chức hoạt động, phân bổ nguồn lực, đưa ra tiêu chí phục vụ khách, phối hợp với chính quyền và các công ty du lịch xây dựng sản phẩm tốt, tránh khai thác tài nguyên quá đà, bảo đảm quyền lợi từng thành viên.
“Ví dụ nhà nào sạch sẽ, thoáng mát thì tổ chức homestay (dịch vụ lưu trú tại gia đình), nhà nào nấu ăn ngon thì phục vụ ăn uống, nhà nào có vườn thì đón khách tham quan. Lợi ích được chia sẻ đều thì sẽ hạn chế xung đột. Đứng dưới một mái nhà chung, ai làm sai sẽ bị nhắc nhở. Đó chính là cách phát triển du lịch có trách nhiệm”, TS Vũ An Dân cho biết.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích người dân tham gia, tạo điều kiện để người dân phát huy giá trị các loại hình văn hóa, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống để phục vụ du khách. Khi người dân tham gia hoạt động du lịch, họ không chỉ có thêm thu nhập mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp truyền thống. Vì vậy, quan trọng nhất là giúp người dân nhận thức được vai trò của phát triển du lịch đối với địa phương mình, hiểu cách làm du lịch, từ đó tự giác tham gia. Có như vậy mới có thể phát triển du lịch bền vững.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: Những năm gần đây, ngành Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động để phát triển du lịch cộng đồng, phát huy vai trò của người dân trong hoạt động du lịch như tổ chức khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì, làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc... Sắp tới, Sở Du lịch Hà Nội cùng các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư sẽ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đạt chuẩn tại các làng nghề, phố nghề, rồi nhân rộng. Bên cạnh đó là tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.