(HNM) - Nhiều cán bộ cao cấp, tổ chức Đảng có sai phạm bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định hoặc đề nghị xử lý kỷ luật. Điều đó đã khẳng định không có
Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ảnh: Trí Dũng |
Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện
Cuối năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý, đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp, tổ chức Đảng có trách nhiệm trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trước đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí - hiện đang bị truy nã quốc tế về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016; thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng…
Việc Đảng xử lý nghiêm vi phạm của cán bộ, đảng viên đã đáp ứng lòng mong mỏi của người dân và cũng là bài học sâu sắc cho các tổ chức, cá nhân, để từ đó không ngừng tu dưỡng, rèn luyện. GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, chưa bao giờ Đảng ta lại phải ra nhiều quyết định kỷ luật nghiêm khắc với nhiều cán bộ cao cấp từ bộ trưởng tới bí thư tỉnh ủy xung quanh những sai phạm liên quan đến công tác quy hoạch cán bộ, lợi dụng chức quyền, làm suy giảm niềm tin nhân dân như thời gian vừa qua. Những quyết định kỷ luật nghiêm khắc, đích đáng đã thể hiện mong muốn trong sạch, vững mạnh của Đảng cũng như mong muốn của người dân với Đảng.
Theo GS.TS, Nhà giáo Ưu tú Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên về việc rèn luyện để ngăn chặn nguy cơ thoái hóa, biến chất. Qua nghiên cứu về Bác, có thể nhận thấy những tư tưởng lớn mà đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử. Bác cho rằng, cán bộ, đảng viên phải thấu hiểu một vấn đề cơ bản, đầu tiên: Vào Đảng không phải để làm quan, phát tài. Mỗi cán bộ, đảng viên phải suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc.
Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác viết: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”.
Theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng rèn luyện để nâng cao phẩm chất, năng lực “vừa hồng, vừa chuyên”. Những lời căn dặn của Bác nhiều năm qua vẫn luôn mang tính thời sự và có ý nghĩa sâu sắc để mỗi cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện nâng cao tính kỷ luật trong Đảng.
Khẳng định vai trò nêu gương
Phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để nghiêm khắc xem xét, chỉnh đốn và thực hiện nghiêm kỷ luật của Đảng là việc làm cần thiết, đúng đắn, hợp với lòng dân, tính Đảng. Xung quanh bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1969), GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết, khi trao đổi với đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương và Chánh Văn phòng Trung ương thời điểm đó, Bác từng đặt câu hỏi: Giả sử gia đình các chú dành dụm đủ tiền mua được bộ bàn ghế, giường tủ mới liệu các chú có kê ngay vào nhà hay phải quét sạch rác rưởi đi đã? Câu hỏi của Bác đã thể hiện tâm trạng suy nghĩ, trăn trở về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, từ di sản của Bác để lại, một câu hỏi lớn được đặt ra là chúng ta sẽ làm gì để ngăn chặn sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay? Trước hết, từ sâu xa, mỗi người phải tự rèn luyện. Bởi không gì có thể thay thế được sự tự thức tỉnh, cảnh tỉnh, phê phán của mỗi cá nhân. Mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên thì càng phải giữ gìn đạo đức, danh dự mà Bác là một tấm gương sáng. Bên cạnh sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân, phải tận dụng sức mạnh tập thể mà ở đây là sức mạnh của các tổ chức Đảng để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đảng ta có hàng chục vạn chi bộ với khoảng 5 triệu đảng viên. Nếu mỗi đảng viên, nhất là cán bộ giữ đúng trọng trách, học tập, làm theo Bác từ trái tim, lương tâm, danh dự thì chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực. Điều này liên quan mật thiết đến lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là sự gương mẫu trước hết của tập thể lãnh đạo Trung ương. 200 Ủy viên Trung ương, trong đó có các đồng chí thuộc Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự là tấm gương sáng, đi đầu sẽ tạo ra động lực lớn, một sức mạnh tập thể.
Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, nếu Nhà nước có Hiến pháp, luật pháp thì Đảng có Điều lệ Đảng. Điều lệ Đảng phải được coi như một bộ luật tối cao trong Đảng mà mỗi cán bộ, đảng viên phải chấp hành. Nếu vừa là công dân, vừa là đảng viên thì càng phải chấp hành luật nước, luật Đảng một cách nghiêm khắc. “Nhân kỷ niệm 90 năm “Đường cách mệnh”, 70 năm Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”… việc học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ tạo ra một sức mạnh tập thể, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, chỉnh đốn và nâng cao kỷ luật Đảng trong giai đoạn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.