(HNM) - Hội nghị người lao động là cơ hội phát huy dân chủ, giúp người lao động đóng góp ý kiến, giám sát những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
Chị Lê Thị Hà, công nhân Công ty cổ phần May Sơn Hà (phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây) cho biết, tại hội nghị người lao động năm 2019, Giám đốc công ty đã công khai trả lời, giải đáp 8 vấn đề xung quanh hơn 100 ý kiến đã được thảo luận và tổng hợp từ các tổ công đoàn. Phần giải đáp của Giám đốc công ty đã giúp công nhân hiểu rõ tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty. Người lao động ghi nhận, năm 2018, công ty đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bảo đảm việc làm với mức thu nhập bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng cường chất lượng bữa ăn ca với tổng chi phí 4,3 tỷ đồng... Công nhân lao động đều ủng hộ mục tiêu năm 2019 là công ty phấn đấu tăng doanh thu 10% và tăng thu nhập bình quân lên 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Với người sử dụng lao động, việc tổ chức hội nghị người lao động cũng mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Gia Lâm (Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên) nhiều năm thực hiện tốt việc tổ chức hội nghị người lao động. Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Gia Lâm Trịnh Quốc Oanh, hội nghị người lao động là cơ hội tốt để công nhân lao động phát huy quyền dân chủ trực tiếp. Đây là dịp Ban Giám đốc lắng nghe ý kiến của người lao động, từ đó trao đổi, giải đáp tạo sự đồng thuận vì mục tiêu phát triển ổn định, hài hòa, bảo đảm lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 2-2019 đã có 25,23% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Trong đó, nhiều đơn vị có tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đạt cao như Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân 40,58%, Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng 87,88%, Liên đoàn Lao động huyện Ứng Hòa 66,67%. Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Liên đoàn Lao động thành phố) Trần Thị Thanh cho biết, hội nghị người lao động tại các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng được bảo đảm. Tại nhiều doanh nghiệp, không khí dân chủ thực sự được xây dựng, người lao động nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến, tập trung thảo luận biện pháp, đề xuất sáng kiến nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức hội nghị người lao động trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn. Về tiến độ, nhiều đơn vị triển khai chậm. Việc tổ chức hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn mang tính hình thức, chỉ định trước người phát biểu hoặc không dành thời gian để người lao động được góp ý kiến, số người dự hội nghị còn ít so với tổng số lao động của cơ sở.
Thực hiện Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, ngày 7-3, Liên đoàn Lao động thành phố đã có Văn bản số 114/LĐLĐ yêu cầu liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động. Để tổ chức tốt hội nghị người lao động, phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ trực tiếp của công nhân lao động và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các doanh nghiệp, bên cạnh sự chủ động, tích cực của người lao động, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải nỗ lực nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.