(HNM) - Sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản phía Nam bắt đầu sôi động trở lại, kéo theo đó là những bất cập, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Trước tình hình đó, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang siết chặt công tác quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực này cho phát triển kinh tế - xã hội.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thu hồi hơn 6.274m² tại địa chỉ số 33, đường Nguyễn Du và số 34-36, 42, đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1. Đây là khu đất do Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và xây dựng Việt Hân Sài Gòn nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty TNHH một thành viên, nay là Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty cổ phần (Vinafood 2). Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, lý do thu hồi đất là khu đất này không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nhưng vẫn nhận chuyển nhượng, tặng cho.
Ông Trần Thanh Phong (phường Bến Nghé, quận 1) - có nhà ở gần khu đất này, cho biết: "Tôi thấy khu đất đã bị bỏ trống nhiều năm nay, hiện được một đơn vị tận dụng làm nơi giữ xe máy và xe ô tô. Khu đất nằm ngay trung tâm quận 1 mà không xây dựng công trình nhiều năm là lãng phí. Chúng tôi mong muốn chính quyền thành phố sau khi thu hồi sẽ sớm tổ chức bán đấu giá để bổ sung nguồn ngân sách cho nhà nước”.
Trưởng phòng Quản lý đất (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) Võ Công Lực cho hay, thành phố luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng phải tuân thủ chặt chẽ Luật Đất đai và các quy định hiện hành. Đối với trường hợp thực hiện dự án đầu tư vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, thành phố sẽ xử lý nghiêm hoặc thu hồi theo thẩm quyền đối với đất do Nhà nước quản lý.
Trong khi đó, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định thu hồi 9.778m² đất của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển vật liệu IDICO tại xã Long An, huyện Long Thành và 1.932m2 của Công ty cổ phần Sông Đà Đồng Nai tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, lý do thu hồi là cả 2 khu đất của hai doanh nghiệp này hết thời hạn thuê đất nhưng không được gia hạn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Còn tại tỉnh Bình Dương, theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất tại 147 đơn vị; qua đó, đã phát hiện và xử phạt 106 đơn vị vi phạm hành chính với số tiền 13,2 tỷ đồng.
Sử dụng hiệu quả, bền vững
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý đất đai. Đối với quỹ đất do Nhà nước quản lý hiện các doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng phải tuân thủ đúng theo lĩnh vực ngành nghề quản lý và quy hoạch đã được phê duyệt. Sắp tới, thành phố sẽ tổng rà soát thực tế sử dụng đất trên địa bàn, trọng tâm là đất do Nhà nước quản lý đang sử dụng không đúng mục đích hoặc gây lãng phí. “Thành phố Hồ Chí Minh quản lý, sử dụng đất theo nguyên tắc một mét vuông đất do Nhà nước quản lý cũng phải sử dụng đúng mục đích, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và công khai, minh bạch”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Còn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương Ngô Quang Sự cho biết, hiện tỉnh Bình Dương đã xây dựng “Phương án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, tổng quỹ đất của phương án là 37 khu với diện tích 17.928ha. Căn cứ tình hình thực tế và tiến độ đầu tư các dự án trong phương án này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đề xuất thực hiện cơ chế đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến thực hiện giai đoạn 2025-2030. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác tạo quỹ đất sạch để sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lực đất đai.
Trong khi đó, theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1.500 dự án có sử dụng đất thuộc nhiều lĩnh vực. Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2022 và các năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, năm 2022 và các năm tiếp theo, tỉnh sẽ tổ chức bán đấu giá 105 khu đất (tổng diện tích hơn 781ha), ước tính giá trị khoảng hơn 12.900 tỷ đồng để phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi thông tin, bắt đầu từ ngày 1-10-2022, việc tách thửa đất và hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh cũng sẽ áp dụng theo quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai và siết lại việc tách nhỏ đất nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.