Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô

Minh Ngọc| 28/01/2016 06:34

(HNM) - Nhìn lại những kết quả đạt được trong thời gian qua, có thể thấy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Hà Nội gặt hái được nhiều thành công.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có số lượng di tích nhiều nhất cả nước, với 5.175 di tích. Trước đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện cuộc tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích trên địa bàn thành phố. Sau gần 3 năm triển khai, công tác kiểm kê di tích đã cơ bản hoàn thành. Kết quả kiểm kê cho thấy, Hà Nội hiện có khoảng 8.000 di tích, địa điểm, công trình có trong danh mục di tích và các công trình, địa điểm có dấu hiệu là di tích, qua đó, ngành văn hóa thành phố đã đề xuất các cơ quan chức năng đưa vào danh mục kiểm kê 5.800 di tích (1 di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.167 di tích quốc gia, 1.179 di tích thành phố…). Những công trình, địa điểm kiểm kê ngoài danh mục sẽ được ngành Văn hóa lưu lại để theo dõi, phục vụ cho công tác nghiên cứu và quản lý hoạt động tôn giáo tín ngưỡng. Ngoài ra, kết quả kiểm kê còn cho thấy, Hà Nội có hàng nghìn di tích đang xuống cấp, trong đó có những di tích xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng cần được tu bổ cấp thiết.

Hội đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) được đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Linh Ngọc


Căn cứ vào kết quả kiểm kê, Sở Văn hóa - Thể thao (VH&TT) Hà Nội từng bước lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích; lập quy hoạch đối với di tích quốc gia đặc biệt hoặc cụm di tích trong khu vực có mối quan hệ mật thiết về văn hóa, khoa học để bảo tồn và kết nối di sản với du lịch; quy hoạch khảo cổ; thực hiện số hóa để quản lý thông tin về hệ thống di tích trên địa bàn thành phố. "Việc tổng kiểm kê di tích giúp cho các cơ quan quản lý có những số liệu, những thông tin cơ bản về đặc điểm, giá trị, hiện trạng của hệ thống di tích trên địa bàn Hà Nội, từ đó xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cho phù hợp. Đây là một trong những bước đi cơ bản của công tác quản lý di tích, là cơ sở để xây dựng chiến lược bảo tồn di tích lâu dài" - Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết.

Không những vậy, Hà Nội còn tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Sau hơn 2 năm điền dã, khảo sát và nhận diện di sản, các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa đã thống kê được khoảng 1.500 di sản văn hóa phi vật thể ở tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Từ kết quả kiểm kê, ngành văn hóa Hà Nội đã xây dựng hồ sơ hội Đền Và ở phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây) và hội đền Hát Môn ở xã Hát Môn (Phúc Thọ) đề nghị Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng kế hoạch bảo tồn khẩn cấp với 6 di sản tiêu biểu đứng trước nguy cơ mai một. "Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên diện rộng; đồng thời, xây dựng kế hoạch bảo tồn dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn của nhân dân. Bảo tồn di sản theo cách này vừa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, vừa theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể" - Bà Nguyễn Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển di sản văn hóa Việt Nam khẳng định.

Nhiều mô hình điểm về bảo tồn

Thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, một số địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai các đề án đặc thù, nhằm gìn giữ vốn di sản quý giá của cha ông để lại. Thông qua việc thực hiện đề án "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây - Xứ Đoài" (giai đoạn 2012-2016), mỗi năm thị xã Sơn Tây lập hồ sơ đề nghị chống xuống cấp 1-2 di tích; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch một số di tích trọng điểm; từng bước nhân rộng các mô hình làm du lịch cộng đồng… Đề án "Khôi phục và phát triển các điệu múa cổ, múa dân gian trên địa bàn huyện Thanh Trì" được triển khai từ năm 2009 đến nay, góp phần "hồi sinh" điệu múa bồng, múa sênh tiền, múa lân, sư tử vô cùng độc đáo. Nghệ nhân múa bồng Triệu Đình Hồng (làng Triều Khúc, xã Tân Triều) vui mừng: "Một thời gian dài, điệu múa bồng bị lãng quên. Những người đắm đuối với di sản như tôi dù muốn khôi phục, giữ gìn cũng rất khó, vì không có đất diễn. Thấy các ngành chức năng có chủ trương khôi phục di sản, chúng tôi rất vui mừng. Hiện đội múa bồng Triều Khúc được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi. Lớp trẻ cũng đã hiểu biết về di sản của quê hương thông qua mô hình đưa di sản vào trường học".

Đặc biệt, Mê Linh là một trong những địa phương cấp huyện đầu tiên của cả nước có chế độ cho người trông coi di tích với mức 450.000 đồng/người/tháng từ năm 2011. "Việc trông coi di tích khá vất vả, mất nhiều thời gian. Mức hỗ trợ tuy chưa tương xứng với công sức người trông coi, song nó là nguồn động viên kịp thời, giúp họ tâm huyết hơn với công việc. Nhờ vậy, huyện Mê Linh luôn nắm rõ tình trạng của di tích để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp" - Ông Phan Văn Luật, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mê Linh cho hay.

Những dẫn chứng cụ thể nói trên phần nào cho thấy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung luôn được các ngành, các địa phương của Hà Nội quan tâm thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.