Văn hóa

Xây dựng sản phẩm văn hóa mang bản sắc Thủ đô: Sáng tạo trên nền truyền thống

Bảo Nam 08/12/2024 17:00

Tranh Hàng Trống là một dòng tranh dân gian được làm chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống của Hà Nội xưa. Hội tụ những nét đặc trưng, bản sắc của người Hà thành từ màu sắc đến họa tiết, tranh Hàng Trống đã được các nghệ sĩ đương đại ứng dụng nhiều trong thiết kế, hội họa, thời trang...

Qua nhiều hình thức thể hiện, những sản phẩm này đã góp phần gìn giữ giá trị văn hóa Thủ đô, đồng thời mang đến vẻ mới lạ cho những sản phẩm sáng tạo.

ht.jpg
Áo dài thêu tranh Hàng Trống của nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ.

Mới trong những điều quen thuộc

Trong một lần tìm gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống, để mua tranh, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ đã bị mê hoặc bởi màu sắc và họa tiết của những bức tranh Hàng Trống.

Quá ấn tượng với “gu” thẩm mỹ tinh tế của thị dân Hà Nội xưa, sau buổi gặp gỡ đó, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ quyết định thực hiện bộ sưu tập gồm 8 bộ trang phục thêu các bức tranh Hàng Trống như “Tố nữ, “Tứ quý”, “Cá chép vượt vũ môn”, “Tả Thanh Long” với mong muốn đưa tranh Hàng Trống đến với nhiều người hơn thông qua góc nhìn thời trang. Không còn là những chiếc áo dài đơn giản, bộ sưu tập trở thành tác phẩm nghệ thuật, mỗi chiếc áo dài là một bức tranh sống động, kể câu chuyện về lịch sử và văn hóa Hà Nội. Bộ sưu tập ngay lập tức nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ các bạn trẻ. Từ tín hiệu đó, năm nào nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ cũng lựa chọn họa tiết nguyên bản của tranh Hàng Trống làm nguồn cảm hứng cho mẫu thiết kế của mình nhằm tạo nên một vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại cho chiếc áo dài.

Câu chuyện của nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ gợi nhớ cách đây ít năm, họa sĩ trẻ Xuân Lam đã cho ra mắt triển lãm mang tên “Vẽ lại tranh dân gian” được rất nhiều người chú ý. Tại triển lãm này, những bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Hàng Trống như “Ngũ hổ”, “Bà chúa Thượng ngàn”... đã được anh vẽ lại bằng chì, sau đó tô màu bằng công nghệ đồ họa với cách phối màu tươi mới, mang lại cho người xem cảm giác vừa thân quen, vừa hiện đại. Sau triển lãm, Xuân Lam còn đưa dòng tranh này vào các sản phẩm như túi vải, sổ, lịch, bao lì xì, bình phong... Anh khẳng định, việc đưa nét đẹp của tranh dân gian vào các sản phẩm thông dụng sẽ khiến tranh dân gian tiếp cận được nhiều người hơn”.

Vài năm trở lại đây, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng với nhóm 26 sinh viên triển khai dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh dân gian Hàng Trống. Cũng là “ngũ hổ”, “lý ngư vọng nguyệt”, “tứ quý”, “tố nữ”... nhưng được các nghệ sĩ trẻ thể hiện bằng chất liệu sơn mài, được đưa lên lụa, các vật phẩm khác nhau, mang lại những hiệu ứng mới. Tiếp theo đó là các triển lãm của các họa sĩ trẻ, như Triển lãm “Hổ dạo phố”, Triển lãm “Cõi Tiên”... lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống được trưng bày tại đình Nam Hương, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

“Đánh thức” nguồn cảm hứng

Là người từng đưa tranh Hàng Trống lên áo dài, trong đó có bộ sưu tập “Thụy vũ nghênh hy” ra mắt tại Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 vừa qua, nhà thiết kế Vũ Thảo Giang thừa nhận, việc đưa tranh Hàng Trống lên áo dài thực sự không dễ dàng. Bởi, từng nét vẽ đều rất tinh xảo và mang một thông điệp nhất định, nếu không nghiên cứu một cách kỹ càng thì rất có thể sự sáng tạo đó sẽ phá vỡ nét đẹp truyền thống. Tuy nhiên, nếu ứng dụng thành công, tranh Hàng Trống chính là một chất liệu tuyệt vời để sản phẩm giàu bản sắc. “Tranh Hàng Trống với những họa tiết đặc sắc, màu sắc rực rỡ và nội dung thường có ý nghĩa tâm linh sẽ mang lại vẻ đẹp vừa tinh tế vừa truyền thống cho áo dài. Tôi tin rằng, bất cứ ai chọn chiếc áo dài in tranh Hàng Trống đều mang trong mình một tình yêu đối với Hà Nội. Cũng vì sự đón nhận nhiệt tình của khách hàng, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đưa tranh Hàng Trống vào một số sản phẩm khác như khăn, quà tặng du lịch, đồ trang trí trong gia đình...” - nhà thiết kế Vũ Thảo Giang chia sẻ.

Nhấn mạnh việc phải nghiên cứu, sáng tạo một cách tỉ mỉ, cẩn thận, nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ cho rằng, các sản phẩm áo dài và đồ nhung the thêu tay của chị luôn giữ được tinh thần, bố cục của tranh Hàng Trống. “Tôi tìm những thợ thêu tay có kinh nghiệm lâu năm, có kỹ năng tốt để tạo ra các sản phẩm thể hiện được hồn cốt của dòng tranh nổi tiếng của Hà thành. Đó chính là cách chúng tôi truyền thông điệp về việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa của đất Thăng Long xưa trong đời sống hôm nay” - nhà thiết kế Nguyễn Thơ Thơ nhấn mạnh.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, nhắc đến tranh Hàng Trống là nói đến một trong những di sản cổ truyền độc đáo của đất kinh kỳ, chứa đựng giá trị văn hóa, tín ngưỡng, thẩm mỹ và kỹ thuật chế tác đặc trưng. Tuy nhiên, qua thời gian, dòng tranh này đang bị mai một và việc cho ra đời dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” góp phần lấy lại chỗ đứng của tranh Hàng Trống trong lòng người Hà Nội. “Các triển lãm trong khuôn khổ dự án là điểm nhấn cho các hoạt động văn hóa của Hà Nội trong thời gian qua, góp phần đưa người dân Thủ đô đến với giá trị truyền thống. Sự tham gia đông đảo của người dân, du khách là minh chứng cho thấy bản sắc văn hóa chính là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho sáng tạo. Quan trọng là cách chúng ta “đánh thức” chúng ra sao mà thôi” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng sản phẩm văn hóa mang bản sắc Thủ đô: Sáng tạo trên nền truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.