(HNM) - Các cuộc thi tài năng nghệ thuật truyền thống quy mô quốc gia được tổ chức liên tiếp trong những tháng qua là dịp để các nhà quản lý và giới nghề đánh giá thực trạng lực lượng hiện nay. Đáng mừng là qua đây có một nguồn tài năng dồi dào được phát hiện. Nếu được bồi dưỡng, khuyến khích, lực lượng này, đặc biệt là thế hệ trẻ, sẽ kế thừa và đưa nghệ thuật truyền thống vươn cao.
Dồi dào cả số lượng và chất lượng
Từ tháng 9-2020 đến nay, sân khấu nghệ thuật truyền thống luôn rộn ràng với nhiều cuộc tranh tài hấp dẫn do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các địa phương phối hợp tổ chức, như: Cuộc thi “Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020”, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2020”, cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - 2020”, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc - 2020”.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, đây là dịp để phát hiện, tôn vinh tài năng nghệ thuật truyền thống. Có thể thấy, các cuộc thi thành công khi thu hút được đông đảo nghệ sĩ trẻ, trở thành ngày hội để họ trao đổi, học hỏi, cùng gìn giữ, phát triển nghệ thuật truyền thống.
Xét về số lượng, các cuộc thi năm nay có sự mở rộng và quy tụ lực lượng nghệ sĩ đông đảo nhất từ trước tới nay. Có gần 700 nghệ sĩ tham gia thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, 44 diễn viên thi biểu diễn tuồng và dân ca kịch, 64 diễn viên tranh tài ở nghệ thuật chèo, 31 nghệ sĩ được chọn thi cải lương. Đa số là người dưới 35 tuổi.
Về chất lượng, các cuộc thi đã phát hiện nhiều tài năng mũi nhọn cho nghệ thuật truyền thống. Điển hình như Phùng Thị Thanh Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội) lần đầu thử thách với vai chèo Thị Màu, đã giành Huy chương vàng. Nghệ sĩ Nguyễn Quỳnh Liên, Trần Thị Kim Ngân (Nhà hát Tuồng Việt Nam) diễn vai tuồng Nguyệt Cô hóa cáo với màu sắc khác nhau, đã gặt hái Huy chương vàng và Huy chương bạc. Quán quân Giọng hát Việt nhí 2016 Trịnh Nhật Minh (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) khiến công chúng bất ngờ về tài năng biểu diễn đàn bầu khi giành giải Nhất cuộc thi “Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2020”.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc - 2020” đánh giá, qua các cuộc thi, rất mừng vì có được một thế hệ tài năng kế cận, vừa đam mê, giỏi nghề, lại năng động, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.
Là người yêu thích nghệ thuật truyền thống, chị Phạm Hà My (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Thời gian qua, theo dõi các cuộc thi trên mạng internet, tôi thấy dù chỉ diễn trích đoạn, nhưng nhiều nghệ sĩ đã thể hiện nội tâm tốt, khiến khán giả rung động”.
Để các tài năng tỏa sáng
Đáng chú ý, nhiều tài năng ghi dấu trong các cuộc thi là thành quả của Đề án “Đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016-2020” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nghệ sĩ trẻ Phùng Thị Thanh Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội) cho biết, từ một học sinh chưa biết đến chèo và bất cứ môn nghệ thuật truyền thống nào, được Nhà hát Chèo Hà Nội trực tiếp về quê hương (huyện Quốc Oai) tuyển chọn, qua 3 năm đào tạo, kèm cặp, đến nay, Thanh Huyền và nhiều bạn trẻ đã trở thành diễn viên chuyên nghiệp, được tham gia nhiều chương trình phục vụ khán giả. Tương tự, tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, 26 tài năng trẻ được đào tạo từ đề án đang là nghệ sĩ nòng cốt của Đoàn Thể nghiệm. Nhà hát Chèo Việt Nam cũng có hơn 30 diễn viên, nhạc công mới từ đề án này… Điều đó khẳng định, việc các đơn vị nghệ thuật trực tiếp tham gia phát hiện, đào tạo, phát triển tài năng theo đề án là hướng đi đúng, cần tiếp tục phát huy.
Để tài năng được phát hiện từ các cuộc thi tỏa sáng, theo Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cần có sự quan tâm, chăm lo đào tạo thế hệ trẻ của các đơn vị nghệ thuật. Bản thân mỗi tài năng phải không “ngủ quên” trên huy chương, luôn có ý thức rèn nghề, chủ động học hỏi, cập nhật kiến thức mới.
Về phía các đơn vị nghệ thuật truyền thống, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, muốn các tài năng trẻ theo nghề lâu dài, ngoài tâm huyết truyền dạy của thế hệ đi trước, tạo nhiều sân chơi mới cho họ thể hiện, thì cần có cơ chế đặc thù. “Với nghệ thuật truyền thống, trình độ tay nghề được đánh giá cao hơn bằng cấp. Các nghệ sĩ thường được đào tạo từ nhỏ và tuổi nghề ngắn, vì vậy, họ cần được hưởng chế độ đãi ngộ tương xứng với tay nghề, vị trí việc làm. Từ đó, các môn nghệ thuật dân tộc mới được lưu giữ và tiếp tục phát triển”, ông Phạm Ngọc Tuấn đề xuất.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn khẳng định, những tài năng trẻ là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật truyền thống. Qua các cuộc thi lần này, Cục đã đánh giá được thực trạng lực lượng theo nghề, từ đó có giải pháp bồi dưỡng, đào tạo nghệ sĩ trẻ trong thời gian tới. Cụ thể, Cục sẽ xây dựng và triển khai đề án phát triển tài năng và bảo tồn phát triển nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021-2030; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn; quan tâm, vực dậy nghệ thuật truyền thống ở những địa phương có dấu hiệu mai một…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.