(HNM) - Dù mới được sửa đổi năm 2009, Bộ luật Hình sự (BLHS) đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, cần mạnh dạn quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS sửa đổi để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp (DN) cố tình gây ô nhiễm môi trường hoặc trốn thuế, kinh doanh trái phép hay làm hàng giả…
Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh
Vụ nhiều DN nợ tiền đóng BHXH khiến BHXH Hà Nội cực chẳng đã phải phát đi tuyên bố "mời các đơn vị chây ỳ hầu tòa" ngay những ngày đầu năm mới này đang được công luận quan tâm. Bởi, dù đã không ít tổ chức phải đối mặt với án phạt, nhưng tình trạng nợ kéo dài vẫn không giảm. Bệnh chây ỳ đóng BHXH đang diễn ra tại 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, lây lan từ các cơ sở thực sự khó khăn đến những đơn vị đang làm ăn khấm khá với tổng số tiền nợ lên đến 3.922 tỷ đồng. Tất cả cũng bởi chế tài xử phạt chưa đủ mạnh.
Doanh nghiệp nợ tiền BHXH chỉ phải nộp phạt vi phạm hành chính với mức tối đa là 30 triệu đồng chứ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ảnh: Thu Giang |
Điều 138 Luật BHXH quy định "Mức xử phạt cao nhất cho hành vi vi phạm pháp luật về BHXH chỉ 30 triệu đồng. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ chây ỳ còn có thể kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự". Nhưng trong BLHS hiện hành chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân chứ không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân (tổ chức), lại không quy định tội danh liên quan đến BHXH. Do đó, dù BHXH kiện nhưng không cơ quan nào nợ BHXH phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ nộp phạt vi phạm hành chính với mức tối đa là 30 triệu đồng… rồi tiếp tục tái phạm.
Tình trạng này cũng lặp lại với các DN có hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Báo cáo của ngành thuế cho thấy, Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm do các cơ sở sản xuất, kinh doanh trốn thuế. Các kết quả thanh tra từ năm 2011 đến nay cho thấy, hiện tượng làm và buôn bán hàng giả, lưu hành sản phẩm kém phẩm chất, vi phạm các quy định về quảng cáo, quản lý đất đai của không ít cơ sở... ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài những trường hợp một số kẻ lợi dụng danh nghĩa cơ quan nhà nước để phạm tội còn có không ít trường hợp chính tổ chức xã hội, các DN ''đồng thuận'' cùng lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong việc không quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm để làm ăn trái phép. Bộ Tư pháp nhận định, Nhà nước không sử dụng biện pháp cứng rắn là xử lý hình sự với các vi phạm kiểu trên của pháp nhân nên tình trạng phạm tội có tổ chức ngày càng tăng.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Mặc dù vậy, việc có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân hay không vẫn đang có nhiều quan điểm khác nhau khi Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan về sửa đổi BLHS. Trong đó, câu hỏi: Pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không? Vẫn là nội dung tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý. Trên thực tế ở nước ta, từ trước tới nay, luật không coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm. Lý giải điều này, một số chuyên gia đã căn cứ vào nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và tính mục đích của hình phạt. Các ý kiến đều cho rằng, pháp nhân là tập thể của những con người cụ thể và hành vi vi phạm của pháp nhân được thực hiện bởi một hoặc nhiều đối tượng nên pháp nhân không phải chịu trách nhiệm hình sự mà là những người (thể nhân) đã thực hiện các hành vi vi phạm. Do đó, hình phạt sẽ không có tác dụng nếu áp dụng với pháp nhân mà không được áp dụng với con người cụ thể.
Tuy nhiên, ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển, quan điểm coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm đã có từ lâu và được chính thức thừa nhận. Điều 2.07 BLHS mẫu của Mỹ quy định, pháp nhân bao gồm các công ty và hiệp hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi không thực hiện những nghĩa vụ, nhiệm vụ mà luật quy định. Ủng hộ quan điểm này, Luật sư Nguyễn Bá Duy, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, cũng như đối với thể nhân, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và áp dụng hình phạt tương xứng đối với hành vi phạm tội của pháp nhân vừa có tác dụng để chống và vừa có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm. Trong trường hợp người đại diện cho pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội, nếu pháp luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với người đó mà không truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân, trong khi chính pháp nhân lại được hưởng nhiều lợi ích từ hành vi phạm tội mang lại thì pháp luật đã bỏ lọt tội phạm. Và đây rõ ràng như yếu tố khuyến khích những hành vi sai trái của pháp nhân.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Độ, Phó Chánh án TAND Tối cao, Chánh án Tòa án quân sự TƯ khẳng định, cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, vì hiện nay nhiều vụ pháp nhân vi phạm không xử lý được, nhất là nhóm tội phạm về kinh tế. Theo ông Trần Văn Độ, đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng "một chủ trương được cả tập thể quyết định rồi dẫn đến làm sai, nhưng chỉ có một cá nhân chịu trách nhiệm". Nếu quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong tương lai được thể hiện tại BLHS thì nguyên tắc mọi hành vi phạm tội không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật sẽ được củng cố. Đây sẽ là điều kiện quan trọng bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.