(HNM) - Hai tháng sau khi Tổng thống Emmanuel Macron tái đắc cử, cử tri Pháp tiếp tục bỏ phiếu chọn ra 577 nghị sĩ Quốc hội khóa XVI. Cuộc bầu cử này được đánh giá quyết định màu sắc chính trị của nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới trong thời gian tới. Tuy vậy, hiện tại cuộc bầu cử đang chứa đựng yếu tố khó lường cho các ứng cử viên đi kèm nỗi lo hiện tượng nhiều cử tri vắng mặt.
Cuộc bầu cử lần này diễn ra với hai vòng. Trong vòng I diễn ra ngày 12-6, có 6.293 ứng cử viên đã cạnh tranh giành quyền vào vòng II (dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19-6). Theo ghi nhận, hầu hết các điểm bỏ phiếu tại nước Pháp được mở cửa từ 8h và đóng cửa lúc 19h, ngoại trừ một số thành phố lớn đóng cửa vào 20h. Do cách xa về địa lý, các công dân Pháp đang sống ở nước ngoài cũng như các cử tri ở vùng lãnh thổ Polynesia thuộc Pháp đã đi bỏ phiếu từ ngày 5-6, trong khi một số tỉnh và địa phương hải ngoại được bỏ phiếu vào ngày 11-6.
Cuộc đua chọn ra 577 nghị sĩ, gồm 11 đại diện cho cộng đồng người Pháp ở nước ngoài, chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa 5 lực lượng chính trị lớn của Pháp. Các đảng phái này đều đã gây nhiều bất ngờ trong hai vòng bầu cử tổng thống vừa qua. Theo truyền thông bản địa, phe đa số với quan điểm ủng hộ đương kim Tổng thống Pháp đã liên minh dưới tên gọi "Cùng nhau!". Lực lượng này cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh, như các ứng cử viên thuộc đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu (RN) của bà Marine Le Pen; liên minh cánh tả NUPES của ông Jean-Luc Mélenchon; đảng Những người Cộng hòa và các đồng minh của ông Christian Jacob và đảng “Tái chinh phục” của chính trị gia Eric Zemmour.
Kết quả kiểm phiếu do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 13-6 cho thấy, cuộc đua giữa liên minh “Cùng nhau!” và NUPES diễn ra quyết liệt như nhiều dự báo. Cụ thể, liên minh này đã giành được 25,75% số phiếu, chỉ nhỉnh hơn chút ít mức 25,66% phiếu của NUPES. Kết quả sít sao như vậy đồng nghĩa rằng, mục tiêu giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội - tối thiểu 289 ghế mà Tổng thống E.Macron đặt ra để có thể dễ dàng thực thi các dự án cải cách đề ra sẽ không thể hiện thực hóa ngay lập tức.
Thay vào đó, sự thắng - thua trong cuộc đua tranh ghế Quốc hội Pháp sẽ chỉ được quyết định sau vòng II cuộc bầu cử. Quy định bầu cử của Pháp nêu rõ, trong vòng I, nếu ứng viên nào đạt trên 50% phiếu bầu và tương đương tối thiểu 25% số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử đó sẽ trúng cử ngay. Nếu không có ứng cử viên nào trúng cử ngay thì hai ứng cử viên về đầu sẽ phải bước vào vòng bỏ phiếu thứ hai. Ngoài ra, ứng cử viên nào giành được hơn 12,5% số phiếu tính theo số cử tri đăng ký tại đơn vị bầu cử cũng được vào vòng II.
Tuy nhiên, cuộc đua lần thứ hai không dễ dàng trong bối cảnh sự thờ ơ của cử tri Pháp sẽ tạo ra yếu tố khó lường đối với kế hoạch chính trị của các ứng cử viên. Bất chấp mọi lời kêu gọi, hiện tượng cử tri vắng mặt đã ám ảnh các kỳ bầu cử Quốc hội Pháp trước đó tiếp tục là nỗi lo ngại lớn của kỳ bầu cử năm 2022. Theo khảo sát của Ipsos Sopra-Steria, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu trong trong vòng I có thể lên đến 56%, cao hơn mức kỷ lục 51,3% của cuộc bầu cử năm 2017. Thực tế, số liệu ghi nhận tới 17h giờ ngày 12-6 đã cho thấy, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu chỉ đạt 39,4%.
Sau vòng bầu cử đầu tiên, giới quan sát tỏ ra lạc quan về khả năng liên minh của đương kim Tổng thống Pháp sẽ vượt lên sau vòng bầu cử thứ II. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc giành được số ghế áp đảo là rất khó khăn, có thể dẫn tới nhiều thách thức trong việc thúc đẩy các dự luật, thậm chí dẫn tới những cuộc cải tổ nội các ngoài mong muốn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.