(HNM) - Chưa khi nào, vấn đề nợ thuế, trong đó có nợ thuế sử dụng đất lại "nóng" như vậy. Dù đã nhận được không ít ưu đãi về cơ chế, chính sách, trong đó có cả chính sách về thuế, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn "quên" nghĩa vụ đối với Nhà nước, người dân. Để thu hồi nợ thuế, thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp mạnh, điển hình là việc "bêu dương" các doanh nghiệp nợ đọng thuế. Kết quả thu được khá tích cực.
Nhiều doanh nghiệp, không "tham bát, bỏ mâm", làm mất giá trị thương hiệu, uy tín được dày công gây dựng, đã chấp nhận thanh toán nợ thuế. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp, cách thức xử lý linh hoạt, phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế: Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả; doanh nghiệp cố tình chây ỳ;... đồng thời cũng có nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề đặt ra là phải xác định, phân loại rõ ràng từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp xử lý phù hợp, vừa bảo đảm thu ngân sách, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhằm nuôi dưỡng nguồn thu.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nợ thuế sử dụng đất tăng cao thời gian qua là thị trường bất động sản "đóng băng" kéo dài, tồn kho bất động sản lớn. Sau giai đoạn phát triển "nóng", thị trường sụt giảm, với tư duy "ăn xổi", không ít doanh nghiệp đã "chết đứng" trên những lô đất "vàng". Dự án triển khai đúng tiến độ, kế hoạch, có sản phẩm nhưng… tồn kho, chủ đầu tư "méo mặt". Dự án treo, đất để… trồng cỏ, đương nhiên, khó khăn sẽ chất chồng. Với những dự án đã giao đất nhưng không thực hiện, việc kiên quyết thu hồi là cần thiết, để phát huy hiệu quả sử dụng đất đai.
Bên cạnh nguyên nhân từ các doanh nghiệp, không ít ý kiến cho rằng cách tính tiền sử dụng đất hiện nay tồn tại không ít bất cập. Và cũng do lỗ hổng quản lý, không ít doanh nghiệp đã lách luật để huy động vốn, bán hàng… trên giấy. Doanh nghiệp nghiêm túc thì thực hiện nghĩa vụ chuẩn chỉ với cả Nhà nước và khách hàng sau khi huy động vốn. Doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chộp giật thì tận dụng nguồn vốn huy động để làm việc khác và hậu quả tất yếu là rủi ro nối tiếp rủi ro.
Khách hàng mất vốn, Nhà nước đứng trước nguy cơ thất thu thuế, chưa kể tới những hệ lụy xã hội khác. Tại TP Hồ Chí Minh, không ít doanh nghiệp đã phản ứng với cách tính thuế sử dụng đất khi có sự chênh lệch lớn giữa khoản tạm tính đã nộp với đơn giá chính thức. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là đã hạch toán giá thành ở nhiều năm trước, doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là sau khi cổ phần hóa. Cổ đông mới không chấp nhận "gánh chịu" phần người khác đã làm, đã hưởng…
Để xử lý các khoản nợ thuế sử dụng đất ở thành phố, bên cạnh giải pháp mạnh như "bêu tên" doanh nghiệp, kiên quyết thu hồi dự án treo, UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát, phân loại, đề xuất hướng xử lý phù hợp. Đây là chủ trương đúng để vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu. Như vậy, vấn đề đặt ra lúc này là phải xác định, phân loại và có biện pháp "khoan sức" doanh nghiệp một cách đúng, trúng, hợp lý với từng loại đối tượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.