(HNM) - Thủ tướng Chính phủ đã phân công các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiên cứu, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoàn thiện một số Dự án luật.
Theo đó, đối với Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật. Trong đó, đáng chú ý, các trường hợp không được đề nghị đặc xá: Một số trường hợp có từ 2 tiền án trở lên, phạm tội về an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống lại loài người, tội phạm chiến tranh và tội khủng bố. Về đặc xá đối với người nước ngoài, cơ bản giữ như quy định của Luật hiện hành, giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nghiên cứu tiếp thu. Dự án Luật này cần lưu ý, về tự chủ đại học, cần phát huy vai trò, vị thế, quyền quyết định và giám sát của Hội đồng trường. Chủ tịch Hội đồng trường và thành viên Hội đồng trường phải thực sự là những người có uy tín, trình độ, để bảo đảm đoàn kết nội bộ. Về học phí, đề nghị dựa trên nguyên tắc coi trọng chất lượng, đề cao trách nhiệm của từng nhà trường; đẩy mạnh tự chủ do nhà trường tự quyết định và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Đối với Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Bộ Công an phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Trong đó, về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, cần bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị; tán thành nguyên tắc xác định vị trí, số lượng cấp tướng và quy định cụ thể trong Luật. Về cấp bậc hàm cấp tướng của giám đốc công an cấp tỉnh cần sớm báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.
Đối với Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện, để xin ý kiến Bộ Chính trị về 2 phương án liên quan đến vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 57 của dự thảo Luật). Cụ thể, phương án 1: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì phải do Tòa án quyết định; nếu Tòa án xác định tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; nếu Tòa án xác định tài sản, thu nhập tăng thêm người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì Tòa án bác yêu cầu khởi kiện của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Phương án 2, nếu các cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì coi đây là tài sản, thu nhập chưa kê khai, chưa nộp thuế, chưa chứng minh được tính hợp pháp, thì người có nghĩa vụ phải nộp thuế và Nhà nước tiến hành thu thuế. Trường hợp có dấu hiệu gian lận và trốn thuế thì ngoài số thuế phải nộp sẽ bị xử lý theo Luật Quản lý thuế hoặc hình sự theo quy định của pháp luật về hành vi trốn thuế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.