Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng

Theo Chinhphu| 16/12/2016 13:55

Nhiệm vụ thường xuyên, liên tục là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Mục tiêu là làm sao hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, để mỗi người luôn có ý thức, luôn thực hành tiết kiệm năng lượng trong mọi thời điểm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả diễn ra vào sáng 16/12.

Chưa tương xứng với tiềm năng


Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp tiết kiệm 5,65% trên tổng năng lượng tiêu thụ trong cùng giai đoạn, tương đương với việc tiết kiệm sử dụng trên 11 triệu tấn dầu quy đổi.

Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015: Ngành thép giảm 8,09%; ngành xi măng giảm 6,33%; ngành dệt sợi giảm 7,32%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn còn những hạn chế như: Vẫn còn những quy định chưa đồng bộ, chưa theo kịp được tốc độ phát triển từ thực tiễn của xã hội. Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, tổ chức đã có trong Luật nhưng trên thực tế, nhóm đối tượng này vẫn khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cũng như miễn giảm thuế khi triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng.

Phó Thủ tướng nhìn nhận, nhiều địa phương đã thực hiện tốt Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, một số tổ chức, cá nhân chưa thật sự nghiêm túc thực hiện và triển khai thi hành Luật. Tại một số nơi, nhận thức của doanh nghiệp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng vẫn còn hạn chế.

Hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong một số lĩnh vực như GTVT, xây dựng, nông nghiệp còn còn có những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với tiềm năng.

Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn rất hạn chế. Việc thực thi Luật vẫn nặng về tuyên truyền, vận động, khuyến khích bởi vì các chế tài hiện có được cho là chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe các đối tượng vi phạm.

“Có thể nói, các kết quả đạt được của giai đoạn vừa qua, tuy là rất đáng ghi nhận, nhưng thực sự chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng của chúng ta. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn, từ 25-40%. Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện chỉ bằng ¼ so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó”, Phó Thủ tướng nói.

Nhận thức của người dân và doanh nghiệp chưa cao

Về nguyên nhân của tình trạng trên, Phó Thủ tướng cho rằng hiện còn nhiều hạn chế trong việc quản lý các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, thiếu sự kết hợp giữa các đơn vị quản lý Nhà nước tại địa phương. Việc phối hợp giữa sở Công Thương và các sở ban ngành tại địa phương còn chưa tốt, còn lúng túng trong việc thanh tra, kiểm tra; các cơ sở sử dụng năng lượng chưa thực hiện nghiêm các quy định của Luật.

Nhận thức của nhiều doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đồng đều; nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân về những biện pháp tiết kiệm năng lượng còn yếu, chưa đầy đủ, đôi khi còn hiểu sai lệch về việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, dẫn đến hiệu quả tiết kiệm năng lượng không cao.

“Báo cáo của các đồng chí nói 85% người dân đã được tuyên truyền, hiểu về tiết kiệm điện nhưng tôi cho rằng con số này là thấp hơn, mà ngay cả khi đã được tuyên truyền, đã biết thì để chuyển hoá thành hành động tiết kiệm năng lượng cụ thể vẫn còn một quá trình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mặt khác, trong thời gian ngắn sắp tới, Việt Nam sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than cho phát điện từ năm 2017 và dự kiến sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng từ năm 2023 để bảo đảm nguồn năng lượng cung ứng cho nền kinh tế. Mới đây, Quốc hội đã phê chuẩn về việc dừng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thì việc tìm ra các giải pháp cung ứng đầy đủ nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế trong tương lai đang là vấn đề quan trọng và cấp bách.

Do đó, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu thì việc phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Tăng cường tính bắt buộc trong việc tuân thủ Luật

Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu, tổng hợp và nghiên cứu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự họp về việc triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.

“Đề nghị các đồng chí tiếp thu một cách đầy đủ, khoa học những ý kiến đóng góp này để đưa ra những giải pháp khắc phục, điều chỉnh; bao gồm cả việc kiến nghị sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trước ngày 31/1/2017”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu sửa đổi theo hướng tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức biện pháp thực hiện, chế độ giám sát, báo cáo, đánh giá việc thực thi Luật trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.

Tăng cường tính bắt buộc trong việc tuân thủ các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ: Xây dựng, GTVT, Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành xây dựng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/1/2017.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh những công việc mà các bộ, ngành cần thực hiện thì nhiệm vụ thường xuyên, liên tục là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Mục tiêu là làm sao hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng, để mỗi người luôn có ý thức, luôn thực hành tiết kiệm năng lượng trong mọi thời điểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.