(HNM) - Cho dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng cải thiện, quý sau tăng cao hơn quý trước, nhưng chỉ số tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, kết quả tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng năm 2012 dự kiến đều ở mức thấp.
Tình trạng này dường như dự báo cho một giai đoạn khó khăn có thể quay lại với nguy cơ thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp giải thể, vấn đề an sinh xã hội sẽ không giải quyết được nếu thiếu biện pháp điều hành quyết liệt. Đó là nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 16-10 khi xem xét tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: Đàm Duy |
Không đạt 5 chỉ tiêu kinh tế xã hội
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong số 15 chỉ tiêu của năm 2012 đã được Quốc hội (QH) phê duyệt, 10 chỉ tiêu có nhiều khả năng đạt và vượt. Thế nhưng nhìn tổng thể, vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết. Khu vực doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khả năng tiếp cận vốn thấp, số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng ì ạch, sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho hàng hóa sản phẩm của một số ngành còn ở mức cao. 5 chỉ tiêu dự kiến sẽ không đạt, gồm: tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng.
Nguyên nhân được chỉ ra là do việc tái cơ cấu nền kinh tế kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm được triển khai và mới ở dạng khởi động. Những yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước vẫn chưa được khắc phục. Đáng chú ý, Chính phủ thẳng thắn thừa nhận tình trạng sách nhiễu lợi dụng chức quyền, tham nhũng của một bộ phận cán bộ trong bộ máy còn phức tạp, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 cũng có nhiều điểm đáng lo lắng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2012 đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây, ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đề xuất chưa bố trí nguồn chi tăng lương theo lộ trình vào năm 2013. Bộ trưởng Vương Đình Huệ lý giải, theo lộ trình cải cách tiền lương thì từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng việc chi tăng lương theo đúng lộ trình thì nguồn ngân sách cần chi trong năm 2013 tới 60-65 nghìn tỉ đồng.
9 nhóm giải pháp lớn
Đề xuất của Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhận được sự chia sẻ của không ít thành viên UBTVQH. Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, nhiều nhiệm vụ chi chỉ được bố trí ở mức tối thiểu so với nhu cầu hoặc không đủ nguồn cân đối thì việc chưa bố trí ngân sách năm 2013 để cải cách tiền lương là vấn đề cần được tính tới. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển và không ít thành viên UB Kinh tế của QH nhận định, để góp phần bảo đảm đời sống cho CBCC và người lao động hưởng lương, cần thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% từ ngày 1-5-2013. Nguồn tiền này có thể có được nhờ việc tăng thu từ nội địa, dầu khí và kích cầu kinh tế ngay từ những tháng cuối năm nay.
Sẽ từng bước áp dụng các tiêu chí quốc tế trong việc đánh giá ngân hàng. Ảnh: Đàm Duy |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.