Phải có giải pháp đột phá
Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 17/10/2012
Tình trạng này dường như dự báo cho một giai đoạn khó khăn có thể quay lại với nguy cơ thiếu việc làm, nhiều doanh nghiệp giải thể, vấn đề an sinh xã hội sẽ không giải quyết được nếu thiếu biện pháp điều hành quyết liệt. Đó là nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 16-10 khi xem xét tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: Đàm Duy |
Không đạt 5 chỉ tiêu kinh tế xã hội
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong số 15 chỉ tiêu của năm 2012 đã được Quốc hội (QH) phê duyệt, 10 chỉ tiêu có nhiều khả năng đạt và vượt. Thế nhưng nhìn tổng thể, vẫn còn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết. Khu vực doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khả năng tiếp cận vốn thấp, số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng ì ạch, sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho hàng hóa sản phẩm của một số ngành còn ở mức cao. 5 chỉ tiêu dự kiến sẽ không đạt, gồm: tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng.
Nguyên nhân được chỉ ra là do việc tái cơ cấu nền kinh tế kết hợp chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm được triển khai và mới ở dạng khởi động. Những yếu kém của bộ máy quản lý nhà nước vẫn chưa được khắc phục. Đáng chú ý, Chính phủ thẳng thắn thừa nhận tình trạng sách nhiễu lợi dụng chức quyền, tham nhũng của một bộ phận cán bộ trong bộ máy còn phức tạp, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 cũng có nhiều điểm đáng lo lắng. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2012 đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây, ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đề xuất chưa bố trí nguồn chi tăng lương theo lộ trình vào năm 2013. Bộ trưởng Vương Đình Huệ lý giải, theo lộ trình cải cách tiền lương thì từ ngày 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng. Để đáp ứng việc chi tăng lương theo đúng lộ trình thì nguồn ngân sách cần chi trong năm 2013 tới 60-65 nghìn tỉ đồng.
9 nhóm giải pháp lớn
Đề xuất của Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhận được sự chia sẻ của không ít thành viên UBTVQH. Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, nhiều nhiệm vụ chi chỉ được bố trí ở mức tối thiểu so với nhu cầu hoặc không đủ nguồn cân đối thì việc chưa bố trí ngân sách năm 2013 để cải cách tiền lương là vấn đề cần được tính tới. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển và không ít thành viên UB Kinh tế của QH nhận định, để góp phần bảo đảm đời sống cho CBCC và người lao động hưởng lương, cần thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% từ ngày 1-5-2013. Nguồn tiền này có thể có được nhờ việc tăng thu từ nội địa, dầu khí và kích cầu kinh tế ngay từ những tháng cuối năm nay.
Sẽ từng bước áp dụng các tiêu chí quốc tế trong việc đánh giá ngân hàng. Ảnh: Đàm Duy |
Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu phân tích, 5 chỉ tiêu kinh tế không đạt đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Trong bối cảnh này, nếu giải quyết chậm thì khó khăn sẽ còn kéo dài với nhiều nguy cơ tiềm ẩn cao hơn trong năm tới. Điểm cần tháo gỡ hiện nay là thanh khoản ngân hàng thừa nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn, quá trình tái cơ cấu chưa mang lại kết quả rõ nét. "Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt nhưng chưa định hình yếu tố bền vững. Nguy cơ lạm phát cao vẫn tiềm ẩn", ông Nguyễn Văn Giàu nhận định.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết "chôn" tiền lớn nhất là bất động sản nhưng chưa được Chính phủ nhìn nhận, phân tích kỹ, cùng với phương án để giải quyết nợ xấu ở lĩnh vực này. Chưa kể bao nhiêu sắt thép xi măng "chôn" đấy, đã tồn kho còn nhập về cất tiếp. Chủ tịch QH đề nghị khẩn trương giải quyết cơ bản các nút thắt hàng tồn kho và nợ xấu vì tồn kho càng lớn thì nợ xấu càng tăng.
Trên thực tế tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế đã chỉ ra yêu cầu này vì giảm hàng tồn kho vừa là giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất, vừa là giải pháp giảm nợ xấu một cách hữu hiệu, khắc phục nhanh tình hình khó khăn hiện nay… Tuy nhiên, việc thực hiện chưa mang lại kết quả rõ nét. Vấn đề quản lý, điều hành giá, quản lý thị trường trong một số lĩnh vực chưa thực sự hợp lý tại một số thời điểm đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Phí dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng mạnh và đồng loạt tại nhiều địa phương đã làm sức mua đi xuống do người dân thắt chặt chi tiêu. Điều hành giá, quản lý chất lượng, quản lý việc tạm nhập, tái xuất xăng dầu cũng chưa tạo được niềm tin với dư luận về tính công khai, minh bạch.
Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu lưu ý, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng trong quý IV để đạt được mức tăng GDP cả năm khoảng 5-5,2%. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng cả năm sẽ ở mức 8%. Chỉ số giá những tháng cuối năm có thể sẽ tăng cao hơn so với đầu năm. Bởi theo thông lệ của nền kinh tế nước ta, những tháng cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng. Đây sẽ là thời cơ giúp người chăn nuôi gỡ gạc phần nào thua lỗ, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, thị trường trong nước khởi sắc trở lại. Do đó, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm Chính phủ cần tích cực điều tiết thị trường, gỡ các "nút thắt". Để đạt mục tiêu nêu trên, cần 9 nhóm giải pháp đột phá về tài chính, tài khóa, gỡ khó cho doanh nghiệp, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các tập đoàn kinh tế... Chẳng hạn, tiếp tục hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm lạm phát, tập trung xử lý nợ xấu; Phấn đấu nợ xấu của các ngân hàng thương mại giảm xuống dưới 3%. Cùng với việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và vi phạm pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc sáp nhập các ngân hàng. Từng bước áp dụng đánh giá ngân hàng theo tiêu chí quốc tế. Đặc biệt, Chính phủ cần đặt mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với các giải pháp cụ thể như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu tiên tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông sản. Đồng thời, quyết tâm đẩy lùi nạn tham nhũng trong các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên khoáng sản, tín dụng, công tác cán bộ...