Ngày 18-10, Diễn đàn Doanh nghiệp Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) khai mạc tại Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) Mátxcơva, với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng đại diện chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp các nước thành viên.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga - với tư cách là chủ tịch BRICS - cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập của những bên tham gia mới. Một kế hoạch hành động có ý nghĩa đang được triển khai trong một số lĩnh vực: Kinh tế và tài chính; chính trị và an ninh; hợp tác văn hóa và nhân đạo.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của BRICS hiện đã vượt quá 60 nghìn tỷ USD. Tính đến năm 2023, BRICS vượt qua Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở nhiều chỉ số kinh tế, đặc biệt là GDP toàn cầu. BRICS chiếm khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng quan trọng cho phát triển kinh tế bền vững. Bởi vậy, các nước BRICS là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới trong những năm tới.
Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS tập trung vào việc tăng cường hợp tác vì sự phát triển kinh tế bền vững và thương mại quốc tế với 4 phiên chuyên đề: "Hợp tác tài chính và đầu tư của BRICS. Thách thức và triển vọng"; "Kết nối thương mại và hậu cần quốc tế của các nước BRICS"; "Phát triển kinh doanh nông nghiệp và tăng cường an ninh lương thực ở các nước BRICS"; "Chuyển đổi năng lượng bền vững và vai trò của hợp tác công nghệ trong việc thực hiện chương trình nghị sự ESG của BRICS".
Diễn đàn được tổ chức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra tại Kazan (Nga) từ ngày 22 đến 24-10. Đến thời điểm hiện tại, Nga xác nhận có đại diện 33 quốc gia, trong đó có 24 lãnh đạo cấp cao tham dự hội nghị này.
Với vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS 2024, Nga ưu tiên “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng”. Mátxcơva sẽ tiếp tục thúc đẩy mọi khía cạnh của quan hệ đối tác BRICS trong 3 lĩnh vực chính: Chính trị và an ninh; kinh tế và tài chính; các mối liên hệ văn hóa và nhân đạo.
Trong lĩnh vực tài chính, một trong những mục tiêu đáng chú ý nhất của Nga là kêu gọi tạo ra một giải pháp thay thế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm giảm bớt áp lực chính trị từ các quốc gia phương Tây.
Ngoài ra, Nga cũng đặt mục tiêu mở rộng quan hệ đối tác của BRICS. Theo Tổng thống Vladimir Putin, có khoảng 30 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm tham gia vào chương trình nghị sự đa chiều của BRICS dưới nhiều hình thức khác nhau. Moskva dự kiến sẽ nghiên cứu và đưa ra một phạm trù đối tác mới cho khối này.
Với những nỗ lực này, Nga hy vọng sẽ tăng cường vai trò của BRICS trong hệ thống tài chính quốc tế, thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong thương mại giữa các nước thành viên, mở rộng ảnh hưởng của khối tại các nước đang phát triển trong khi làm suy yếu dần ảnh hưởng của phương Tây ở Nam bán cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.