(HNM) - Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy Hà Nội vừa ban hành "Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội" đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ngoài yêu cầu việc cưới phải vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm, Thành ủy chỉ thị cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của TP phải chấp hành và gương mẫu trong thực hiện tổ chức cưới cho bản thân và thân nhân theo các tiêu chí được quy định cụ thể: Số lượng khách mời không quá 300 người (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì khách mời không quá 600 người); không tổ chức tiệc cưới nhiều lần, không mời khách trong giờ làm việc; không tổ chức tiệc ăn ở những nơi quá sang trọng, tốn kém, không phù hợp với thu nhập của cộng đồng dân cư và cán bộ, công chức như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp; khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới thay cho việc mời dự tiệc.
Tưởng như những quy định đó cứng nhắc nhưng thực ra rất hợp lý.
Việc giới hạn số lượng khách mời và quy định không được tổ chức tiệc cưới nhiều lần sẽ tránh được hiện tượng "thương mại hóa", kinh doanh, vụ lợi, nhưng đồng thời cũng giảm sự lãng phí cho gia chủ. Địa điểm tổ chức phải ở nơi không quá sang trọng, để người có thu nhập không cao cũng có thể tham dự phù hợp với điều kiện chung hiện nay.
Không phải ngẫu nhiên Thành ủy quyết định ban hành chỉ thị về việc cưới với những quy định cụ thể trên. Thời gian qua, những đám cưới linh đình, mang tính "thương mại hóa", vụ lợi, phô trương, xa hoa, lãng phí ngày một nhiều, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong số đó có đám cưới của không ít gia đình cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng và gây cản trở trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng hơn hết là cán bộ, đảng viên không gương mẫu và TP chưa có chế tài xử lý những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, nếu không nói là vi phạm quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang mà Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 10 BCH Đảng bộ TP khóa XV cuối tháng 9 vừa qua, UVBCT - Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã nhấn mạnh, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của TP phải gương mẫu, đi đầu tổ chức đám cưới của bản thân và gia đình theo quy định, gắn với thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI). Thành ủy sẽ giao ngành chức năng xây dựng chế tài xem xét, kiểm điểm, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm theo quy định của Đảng. Bên cạnh đó, Thành ủy cũng yêu cầu các quận, huyện ủy, MTTQ, đoàn thể và chính quyền các cấp tuyên truyền, biểu dương kịp thời những điển hình thực hiện tốt việc cưới văn minh, tiến bộ; phê phán những biểu hiện phô trương, tốn kém, đi ngược với thuần phong mỹ tục cũng như việc lợi dụng tổ chức đám cưới trục lợi.
Chỉ thị của tổ chức Đảng, người cán bộ, đảng viên phải chấp hành và làm gương cho quần chúng. Điều đó là đương nhiên. Nhưng điều quan trọng không kém là các cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thanh niên các cấp phải vận động thuyết phục gia đình, vận động các đối tượng khác thực hiện nếp sống văn minh. Mặt khác, người dân sẽ giám sát việc thực hiện quy định của cán bộ lãnh đạo, đảng viên. Ngoài đối tượng thực thi là cán bộ, đảng viên thuộc quản lý của thành phố, cán bộ, đảng viên các đảng bộ, cơ quan TƯ trên địa bàn thành phố cần hưởng ứng, gương mẫu thực hiện, góp phần tạo chuyển biến trong việc cưới ở Thủ đô.
Phải ghi nhận rằng, trước khi có chỉ thị của Thành ủy, cách đây mấy năm Quận ủy Hà Đông đã có quy định cụ thể về tổ chức tiệc cưới mà đối tượng điều chỉnh là cán bộ, đảng viên. Dù ban đầu có các ý kiến khác nhau, nhưng do nghiêm túc trong triển khai thực hiện (vận động, thuyết phục và xử lý) nên ở Hà Đông đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, khi có chỉ thị của Thành ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, chúng ta tin tưởng rằng toàn thành phố sẽ có những chuyển biến mới.
Không chỉ chấp hành và làm gương trong việc thực hiện quy định của tổ chức Đảng mà còn phải vận động, thuyết phục gia đình, quần chúng thực hiện, như vậy mới làm hết trách nhiệm người cán bộ, đảng viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.