Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ðổi mới để ứng phó với những thách thức

Quỳnh Dương| 17/04/2023 12:30

(HNNN) - Theo Liên hợp quốc, hơn 3 tỷ người trên thế giới hiện đang sinh sống ở các vùng nông thôn tại các nước đang phát triển, bao gồm phần lớn người nghèo của thế giới. Cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu việc làm, chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng yếu kém... Chính vì vậy, những năm gần đây, nhiều quốc gia đã xây dựng các chính sách nhằm đổi mới nông thôn, hướng tới xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.

Năng lượng mặt trời đang được khuyến khích sử dụng ở nhiều khu vực nông thôn Ấn Độ.

Theo đánh giá của nhiều quan chức Liên hợp quốc, nông thôn ở các khu vực kém phát triển trên thế giới ngày nay đang đối mặt với những thách thức mà trước đây chưa từng gặp phải như môi trường quốc tế đầy phức tạp và mang tính cạnh tranh cao, dân số phát triển nhanh, tài nguyên môi trường cạn kiệt và tác động xấu của biến đổi khí hậu. Để ứng phó với những khó khăn mới trong thế kỷ XXI, chính quyền nhiều quốc gia đã xây dựng những mô hình phát triển nông thôn mới, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của chiến lược mang tính đa ngành, tập trung không chỉ vào nông nghiệp mà còn kết hợp với công nghiệp, ưu tiên sự liên kết giữa nông thôn và dịch vụ, nông thôn và thành thị, đồng thời áp dụng tiến bộ trong các ngành công nghệ thông tin và truyền thông, y tế và năng lượng.

Trong số những quốc gia có thành tựu đáng chú ý về xây dựng nông thôn mới, Ấn Độ đang nổi lên như một ví dụ về việc áp dụng công nghệ xanh nhằm mang đến triển vọng tốt đẹp hơn cho người nông dân. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, những năm gần đây, các vùng nông thôn của Ấn Độ đang phải chứng kiến tình trạng thất thoát nước sạch, sa mạc hóa và suy thoái đất. Nông dân thiếu đất trồng trọt, chăn nuôi và công nghệ hiện đại để sản xuất. Tất cả những điều này gây ra mối đe dọa lớn cho ngành nông nghiệp.

Do đó, Ấn Độ đang thúc đẩy cải cách ngành nông nghiệp thông qua việc đa dạng hóa sản xuất cây trồng, tăng năng suất nông sản thông qua việc áp dụng tự động hóa và các công nghệ tương lai. Trong đó, đáng chú ý là sự ra đời của Aqgormalin, một nền tảng đa dạng hóa trang trại theo hướng công nghệ, cho phép người nông dân đa dạng hóa chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nền tảng này làm việc cả ở đầu vào và đầu ra của trang trại thông qua giải pháp công nghệ tổng quan, giúp người nông dân có nhiều sự lựa chọn hơn về giống cây, vật nuôi... Nông dân có thể gửi yêu cầu đầu vào thông qua ứng dụng AQAI của Aqgormalin, sau đó nền tảng này sẽ thu thập và giao hàng đến trại chăn nuôi của họ. Sau thu hoạch, nền tảng này sẽ xử lý đầu ra giúp nông dân với mạng lưới thương nhân, nhà bán lẻ cũng như xuất khẩu.

Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cũng sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và di động để phát triển dịch vụ hỗ trợ thông tin về nông nghiệp cho nông dân. Tháng 4-2016, Ấn Độ đã ra mắt Thị trường nông nghiệp quốc gia điện tử (e-NAM), tích hợp gần 600 chợ bán buôn trên khắp Ấn Độ. Bên cạnh đó là mạng nông trại điện tử (eFarm) giúp người tiêu dùng giảm bớt lo lắng về việc lưu trữ nông sản.

Cùng với đó, Ấn Độ đưa ra “Chiến dịch xanh” giúp đưa nông dân đến gần hơn với thị trường thông qua hậu cần, cơ sở chế biến và quản lý chuyên nghiệp, để giải quyết thách thức về biến động giá cả của các mặt hàng nông sản. Hiện tại, người dân ở nhiều vùng nông thôn đã biết tới ứng dụng di động “chuyên gia lúa gạo” để kịp thời nắm bắt thông tin về các vấn đề liên quan đến bệnh, giống lúa, nông cụ...

Một trong những thành quả khác của nỗ lực xây dựng nông thôn mới tại Ấn Độ là phát triển hệ thống điện sử dụng năng lượng mặt trời. Từ năm 2019, chính phủ đã triển khai chương trình “Điện cho tất cả mọi người”, qua đó đặc biệt khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời phân tán. Hơn 4.604 dự án về năng lượng mặt trời đã được phê duyệt để cung cấp điện cho 4.745 thôn/bản.

Đến nay, gần 3,5 triệu giải pháp ứng dụng năng lượng mặt trời đã được lắp đặt. Nhiều hộ gia đình tại khu vực nông thôn không chỉ có điện chiếu sáng và sinh hoạt hằng ngày mà còn có thể sử dụng điện để sản xuất nông nghiệp như chạy máy bơm, xay xát...

Modhera là ngôi làng đầu tiên của Ấn Độ vận hành các thiết bị hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Dự án này được tài trợ bởi chính phủ liên bang và bang Gujarat với số tiền lên đến gần 10 triệu USD và có tới hơn 1.300 tấm pin năng lượng mặt trời được lợp trên các mái nhà tại đây. Nếu các hộ gia đình không sử dụng hết nguồn năng lượng tự sản xuất từ pin năng lượng mặt trời thì có thể bán cho chính phủ thông qua mạng lưới điện quốc gia.

Với những kết quả đã đạt được, các nhà hoạch định chính sách đánh giá, việc sử dụng năng lượng mặt trời như một nguồn năng lượng thay thế có thể thay đổi kết cấu kinh tế - xã hội của vùng nông thôn Ấn Độ theo chiều hướng tốt hơn.

Xây dựng nông thôn mới thực sự là một cuộc cách mạng. Để có thể vượt qua được những thách thức trong thời đại mới, mỗi quốc gia cần phải có chiến lược cụ thể theo lộ trình chi tiết và tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, bối cảnh từng địa phương, đồng thời trao đổi, tham khảo kinh nghiệm của thế giới thì mới có thể mang lại bộ mặt thay đổi tích cực cho những khu vực nông thôn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ðổi mới để ứng phó với những thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.