(HNM) - Thời gian qua, nông dân ở những vùng nước chua phèn luôn gặp khó khăn trong canh tác, trong khi nhận thức của họ về sử dụng và bảo vệ nước, bảo vệ hệ thống thủy lợi còn rất hạn chế.
Trước thực trạng đó, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA triển khai dự án nâng cao năng lực quản lý công trình thủy lợi cho 26 tỉnh, thành trong cả nước từ năm 2005 đến 2010. Trong đó thí điểm tại 3 mô hình ở 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương.
Nông dân thiếu kiến thức về bảo vệ nguồn nước
TS Nguyễn Tùng Phong, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho biết: Mặc dù bà con một nắng hai sương trên đồng ruộng nhưng nhận thức của họ về sử dụng và bảo vệ nước, bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi vẫn còn hạn chế. Khi còn phải đóng thủy lợi phí, người nông dân cho rằng đã đóng tiền rồi thì dùng nhiều hay ít là quyền của mình nên có xu hướng sử dụng nước lãng phí. Nhưng khi Nhà nước có chính sách miễn thủy lợi phí, người nông dân vẫn sử dụng nước vô tội vạ vì nghĩ rằng tiết kiệm hay không cũng không ích gì.
Ông Vũ Nhật Tiến, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Yên Đông, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh nhận định: Đồng đất ở đây chủ yếu là chua phèn nên rất khó khăn cho việc cấy lúa, năng suất rất thấp. Biết vậy nhưng người nông dân vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống và chưa có ý thức bảo vệ nguồn nước, bảo vệ các công trình thủy lợi hiện có. Mặc dù HTX cũng nạo vét hệ thống kênh mương để điều tiết nước tưới phục vụ bà con nông dân nhưng một số người vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của vấn đề nên còn vi phạm khi bơm nước hoặc tự ý san lấp mương tháo nước vào ruộng nhà mình. Đó là chưa kể đến năng lực các công trình tưới không đủ, thất thoát nước từ cuối kênh... Do đó dẫn đến tình trạng phân phối nước không đồng đều giữa các vùng, thửa ruộng, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Đổi đời cho nông dân
TS Nguyễn Tùng Phong, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, cố vấn của dự án cho biết: Có thể nói từ khi có dự án của tổ chức JICA đã và đang từng bước thay đổi những tập quán đã ăn sâu trong người nông dân. Theo kết quả điều tra gần đây, ở xã Yên Đông, có tới 80% người dân biết đến dự án tưới của JICA. Họ đã được đào tạo, bàn bạc thống nhất quy trình vận hành, quản lý kênh và được trực tiếp tham gia cấp nước tưới cho đồng ruộng của mình.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Yên Hưng nhận định: Từ khi có dự án đã hạn chế được tình trạng tranh chấp phân phối nước. Ở xã Yên Đông, ý thức bảo vệ công trình thủy lợi đã tăng lên rõ rệt. Ngoài việc thành lập các tổ bảo vệ kênh mương, bầu ra cán bộ nông giang theo dõi, quản lý, người dân đang xây dựng quy chế bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, trong đó có chế tài thưởng phạt rõ ràng. Chính vì vậy, hiện tượng đục, phá kênh, vưt rác trên lòng kênh đã giảm hẳn. Người nông dân đã xác định được kênh mương này là của họ, việc gìn giữ, duy tu, bảo dưỡng là phục vụ cho lợi ích chính mình. Do đó, diện tích đất trồng màu, trồng cây vụ đông tăng. Hệ số sử dụng đất tăng 7,5% so với trước. Năng suất cây lúa ở Yên Đông tăng bình quân 6-18%, diện tích lúa cao sản tăng 90%. Do được tập huấn, chủ động điều chỉnh nước, nông dân đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn trồng lúa có chất lượng cao. Trước đây lúa phải cấy 4 dảnh, giờ chỉ cần cấy 2 dảnh, tiết kiệm được chi phí cho giống lúa.
Anh Ngô Quang Ẩn, Trưởng thôn 8, xã Yên Đông thì nhận định: Do chân đất chua phèn, cây lúa trồng xuống không sống nổi, tỷ lệ lúa chết cao. Chi phí, công xá (công tát nước, công làm cỏ...) cho một sào ruộng rất lớn, đấy là chưa kể đến nỗi khổ đêm hôm phải đi chầu chực nước và đối phó với chuột, sâu bệnh phá hại. Từ khi có dự án nâng cao năng lực thủy lợi của tổ chức Nhật Bản JICA, có nước về, không còn cảnh nơi khô, chỗ úng, đất được thau chua, rửa mặn, cây lúa đã sống tốt, sống khỏe.
PGS-TS Nguyễn Thế Quảng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Giám đốc của dự án nhận định: Hiện nay nhu cầu xây dựng công trình thủy lợi ở các địa phương rất lớn, nhưng nguồn kinh phí có hạn nên khó nhân rộng. Hơn nữa, việc thay đổi ý thức của người dân trong tham gia vào các hoạt động thủy lợi, đặc biệt là huy động người dân đóng góp công sức, tiền của vào xây dựng công trình thủy lợi không phải một sớm, một chiều nên cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình và hào hứng tham gia. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm khi triển khai nhân rộng mô hình này ở các địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.