Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ðoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, tiên phong

Song Linh| 17/03/2023 06:36

(HNNN) - Chỉ hơn 1 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), ngày 17-3-1930, tại ngôi nhà số 42 Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ thành phố Hà Nội chính thức được thành lập. Trải qua các giai đoạn cách mạng cam go, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn kiên định, vững vàng, phát huy vai trò tiên phong dẫn dắt quân và dân Thủ đô vượt qua khó khăn, thách thức và đạt nhiều thành tựu quan trọng, tự hào.

Diện mạo Thủ đô đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Lê Việt Khánh

1. Ngày 17-3-1930, tại nhà số 42, phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du (Bí thư), Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam. Đây là Đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước.

Cũng như phong trào cách mạng cả nước, những năm tháng đầu thành lập, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã trải qua không ít gian nan, thách thức to lớn. Tháng 4-1930, đồng chí Đỗ Ngọc Du, Bí thư Thành ủy lâm thời, được Trung ương điều đi công tác nước ngoài. Tháng 6-1930, đồng chí Trần Văn Lan, Ủy viên Trung ương Đảng triệu tập cuộc họp ở 177 phố Hàng Bông để tổ chức lại và đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ được bầu làm Bí thư cùng 2 Ủy viên là Lê Đình Tuyển và Đỗ Danh Cưu. Từ tháng 6 đến tháng 12-1930, Thành ủy 3 lần bị địch tấn công, khủng bố, bắt giữ cán bộ cấp ủy. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn nào, dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội đều kiên cường, bản lĩnh, không quản ngại gian khó, hy sinh, tiếp tục đứng lên, tổ chức lại đội ngũ để lãnh đạo phong trào cách mạng tại Hà Nội.

Với sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ý chí quả cảm, sự nhạy bén, năng động, sáng tạo, Đảng bộ Hà Nội đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhất tề đứng dậy giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám 1945 tại Hà Nội diễn ra nhanh gọn nhờ tận dụng được các điều kiện thuận lợi của tình hình thế giới và giải pháp khôn khéo, tránh xung đột vũ trang với quân đội Nhật Bản. Sáng ngày 19-8-1945, cả Thủ đô tràn ngập khí thế cách mạng, đồng bào tập trung kéo đến quảng trường Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Chính quyền về tay nhân dân trong hòa bình. Khi thực dân Pháp quay lại gây hấn với mục đích xâm chiếm nước ta một lần nữa, hưởng ứng “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân, dân Thủ đô đã anh dũng, mưu trí cầm chân đội quân Pháp trong nhiều ngày để các lực lượng ta rút về căn cứ kháng chiến an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại.

Sau “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, sáng 10-10-1954, đoàn quân “trùng trùng như sóng” đã tiến về tiếp quản Thủ đô trong hòa bình, mở ra một trang sử mới cho Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Trong tiến trình cách mạng đó, quân và dân Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh kết hợp đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự... nhằm đánh địch ở ngay hậu cứ. Các phong trào bãi khóa, bãi công, bãi thị, chống bắt lính đã diễn ra sôi nổi ở nhiều nơi và trong mọi tầng lớp nhân dân Hà Nội. Hay khi quân Pháp ráo riết tổ chức các hoạt động phá hoại Thủ đô về mọi mặt trong thời gian tập kết tại Hà Nội để rút quân, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã dựa vào dân, chủ trương lãnh đạo nhân dân Thủ đô đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, bảo vệ thành phố, bảo vệ xí nghiệp, công sở, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền lợi của công nhân, viên chức, chống địch phá hoại, đồng thời đẩy mạnh phát triển lực lượng cách mạng trong thành phố, phối hợp với các lực lượng từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô. Tất cả đều diễn ra trong hòa bình, với mưu lược khôn khéo, tránh xung đột, hạn chế đổ máu, mất mát.

Giai đoạn sau đó, Đảng bộ Hà Nội đã tập trung khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cùng với miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Đặc biệt, quân và dân Hà Nội đã anh dũng cùng các lực lượng lập nên “Điện Biên Phủ trên không”, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52, được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

2. Sau Đại thắng mùa xuân 1975, đất nước thống nhất, nhưng gặp rất nhiều khó khăn thời hậu chiến. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung thời kỳ chiến tranh không còn phù hợp với giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước, kinh tế cả nước rơi vào khủng hoảng. Là “trái tim hồng” của cả nước, Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới tư duy, phong cách làm việc, tìm tòi cơ chế, chính sách để khắc phục tình trạng trì trệ, tạo tiền đề để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội; từng bước thoát khỏi khủng hoảng, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từ ngày 1-8-2008, thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính để đáp ứng nhu cầu xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đưa thành phố Hà Nội phát triển xứng tầm là Thủ đô của Việt Nam - một đất nước có 100 triệu dân trong tương lai gần và 120 triệu dân trong tương lai không xa. Đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác tổ chức khi hợp nhất. Nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ thành phố đã từng bước tháo gỡ từng “nút thắt”, tạo sự ổn định, đưa kinh tế Thủ đô luôn tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức bình quân chung cả nước. Diện mạo đô thị thay đổi tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm.

Những nỗ lực vươn lên, thiện chí hòa bình của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ngày 16-7-1999, Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) chọn là một trong năm thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”. Hà Nội luôn là điểm đến yên bình, yêu thích của cộng đồng quốc tế. Nhiều sự kiện quốc tế lớn, quan trọng đã được lựa chọn tổ chức tại Hà Nội trong những năm qua, nổi bật là Hội nghị cấp cao APEC (2006), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (năm 2018), Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 (2019)... là minh chứng sống động khẳng định sự yên bình, tinh thần yêu chuộng hòa bình của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

3. Thủ đô Hà Nội đang tiếp tục phấn đấu vươn lên vị thế mới “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như tâm nguyện của Bác Hồ. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới nảy sinh những thách thức, rào cản mới, cả truyền thống và phi truyền thống. Dẫu vậy, trong những thời điểm ngặt nghèo, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã có những quyết sách đúng đắn, linh hoạt để vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội. Đó là điều kiện để Hà Nội có thể huy động nguồn lực hỗ trợ các địa phương khác trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Vượt qua đại dịch Covid-19, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,89%, mức cao nhất trong 10 năm gần đây. Thành phố hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó vượt kế hoạch 5 chỉ tiêu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với năm 2021. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ được phục hồi với nhiều chỉ số tích cực...

Đó là những tín hiệu tích cực để Hà Nội tự tin vững bước trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu đang có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tin tưởng rằng, với bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống vẻ vang, đầy tự hào, Đảng bộ thành phố sẽ lãnh đạo chính quyền, nhân dân Thủ đô tạo nên nhiều thành tựu lớn lao, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, tiên phong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.