(HNM) - Phản ánh đến Báo Hànộimới, người dân xã Hòa Bình, huyện Thường Tín cho biết, những giải pháp mà chính quyền địa phương đưa ra để xử lý ô nhiễm làng nghề sản xuất lược sừng Thụy Ứng chỉ mang tính tạm thời nên tình trạng ô nhiễm chưa được cải thiện nhiều trong thời gian qua.
Tìm hiểu được biết, người làm nghề ở làng nghề lược sừng Thụy Ứng hiện nay đã đầu tư máy cắt, gọt, mài… và nguyên liệu sản xuất đã qua chế biến nên không còn công đoạn ngâm sừng dưới ao, hồ gây hôi thối. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất vẫn tạo ra mùn sừng, gây ô nhiễm không khí. Mùn sừng khi dính nước mưa, nếu không được quét dọn ngay sẽ bốc mùi hôi, rất khó chịu.
Dạo một vòng quanh làng nghề, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, với những hộ có xưởng sản xuất không có mái che thì lượng mùn sừng phát tán vào không khí rất lớn. Chị Nguyễn Thị Duyên, công nhân một xưởng sản xuất cho biết: “Để làm ra một chiếc lược sừng trâu, bò, phải thực hiện hơn 20 công đoạn. Các công đoạn ép phôi, cán dáng, cắt răng… thải ra rất nhiều mùn sừng nên người làm phải đeo kính, khẩu trang suốt cả ngày để tránh gây đau mắt và các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Một số cơ sở sản xuất đã đầu tư hệ thống hút bụi nên cũng hạn chế được bụi phần nào...”.
Cùng với ô nhiễm không khí, làng nghề Thụy Ứng còn chịu nhiều hệ lụy bởi ô nhiễm nguồn nước và đất. Anh Trần Như Thịnh, người làng Thụy Ứng bức xúc: “Ngoài sản xuất lược, đồ mỹ nghệ từ sừng, làng Thụy Ứng còn có nghề chế biến da trâu, bò. Nghề này gây ô nhiễm gấp nhiều lần so với sản xuất lược và đồ mỹ nghệ. Để giữ da được lâu, không bị thối, các chủ sản xuất phải ướp muối cho da. Nước thải từ công đoạn ướp này xả ra cống, ra đất sẽ làm cây cối chết và ô nhiễm nguồn nước”.
Trao đổi về tình trạng ô nhiễm này, ông Nguyễn Hồng Chăm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình khẳng định, nghề sản xuất lược và chế biến da, xương trâu, bò góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nhưng cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm. Để giải quyết tình trạng này, xã đã có phương án hạn chế sự phát sinh chất thải và xây dựng quy hoạch, yêu cầu các hộ sản xuất da, xương trâu, bò chuyển ra một khu riêng biệt.
Bên cạnh đó, một số hộ đã đầu tư khép kín quy trình sản xuất nên môi trường cũng được cải thiện hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi xã không có nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước, rác thải và bụi tập trung.
Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nói trên, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, huyện Thường Tín cần sớm quy hoạch, xây dựng điểm công nghiệp, đưa các hộ làm nghề vào sản xuất tập trung, xa khu dân cư và đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho làng nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.