(HNM) - Sau hơn một năm áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, từ ngày 19-7, Chính phủ Anh quyết định dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, mở cửa hoàn toàn cho nền kinh tế phát triển. Trước tình trạng số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng, các chuyên gia y tế nhận định, sự mở cửa này "thấp thỏm nỗi lo" bởi nó luôn tiềm ẩn rủi ro khi Anh là nước có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 trên thế giới, chỉ xếp sau Indonesia và Brazil.
Mục đích Anh mở cửa trở lại là để tăng tốc phục hồi kinh tế sau khi nước này là một trong số các nền kinh tế phát triển phải hứng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch Covid-19 vào năm ngoái. Quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch của Chính phủ Anh dựa trên 4 tiêu chí: Chương trình tiêm chủng tiếp tục có tiến bộ; có bằng chứng cho thấy tiêm chủng khiến số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 giảm; tỷ lệ mắc bệnh không có nguy cơ gây áp lực đối với hệ thống y tế quốc gia (NHS); không có biến chủng mới có thể khiến thay đổi các nguy cơ về dịch bệnh. Theo đó, từ nửa đêm 19-7 (giờ địa phương), các hộp đêm đã mở cửa trở lại, các địa điểm trong nhà khác được phép hoạt động hết công suất, chấm dứt việc hạn chế tụ tập, các quy định pháp lý về việc đeo khẩu trang nơi công cộng và làm việc tại nhà được bãi bỏ.
Nước Anh có số người chết do Covid-19 cao thứ 7 thế giới, với gần 130 nghìn người. Tuy nhiên, vượt xa các nước châu Âu, 88% dân số trưởng thành (46,2 triệu người) của Anh đã tiêm một liều vắc xin phòng Covid-19 và hơn 68% (hơn 35,3 triệu người) đã tiêm đủ hai liều. Số người chết hằng ngày hiện ở mức khoảng 40 ca, chỉ là một phần nhỏ so với mức cao nhất trên 1.800 ca hồi tháng 1 năm nay.
Trong bối cảnh này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, giờ chính là thời điểm để phục hồi kinh tế sau một năm đóng cửa vì Covid-19. Quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế của Thủ tướng Anh được Giáo sư Chris Whitty - nhà tư vấn hàng đầu cho Chính phủ Anh chống dịch bệnh và một số nhà khoa học ủng hộ. Theo Giáo sư Chris Whitty, nếu tiếp tục lùi kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa, có nguy cơ đỉnh dịch vào mùa hè sẽ bị đẩy sang mùa thu, là thời điểm cúm mùa và các loại vi rút khác phát triển. Điều này có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, chiến lược mở cửa trở lại cũng đi kèm với rủi ro. Theo thống kê, hiện Anh có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 trên thế giới. Số trường hợp nhiễm mới Covid-19 được ghi nhận tại xứ sở Sương mù vẫn vượt 50.000 ca mỗi ngày. Vì vậy, nhiều người lo ngại kế hoạch tái mở cửa của Chính phủ Anh sẽ dẫn đến sự xuất hiện biến chủng mới, kháng lại hiệu quả của vắc xin. Thế nên, trước thềm mở cửa, Thủ tướng B.Johnson cũng đã kêu gọi công chúng có cách tiếp cận thận trọng đối với động thái này.
Một khảo sát mới của văn phòng thống kê quốc gia Anh cho thấy, 64% số người được hỏi sẽ tiếp tục đeo khẩu trang trong các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng sau ngày 19-7, dù đây không còn là quy định bắt buộc. 90% số người được hỏi tin rằng đeo khẩu trang khi đi mua sắm và giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Kết quả cuộc khảo sát là một dấu hiệu tích cực cho thấy người dân Anh đã sẵn sàng cho một trạng thái bình thường mới và sẵn lòng hợp tác với chính phủ nhằm bảo vệ thành quả chống dịch, dù vẫn còn đâu đó nỗi lo thấp thỏm.
Trong lời kêu gọi thận trọng của Thủ tướng B.Johnson, ông có niềm tin mạnh mẽ vào khả năng chống lại bệnh dịch của vắc xin. Có thể đây sẽ là tín hiệu tiên phong cho các quốc gia khác đang nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng để đưa cuộc sống trở lại bình thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.