Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông nghiệp thông minh gắn với sản xuất an toàn

Việt Nga| 21/07/2018 06:29

(HNM) - Khu vực nông thôn hiện chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động với hàng triệu mảnh ruộng canh tác... được coi là thách thức lớn đối với yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Khu sản xuất rau sạch theo công nghệ hiện đại của VinEco.


Xu hướng tất yếu

Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh, song Việt Nam đã có 11 nhà cung cấp công nghệ IoT (thiết bị kết nối internet vạn vật) và 32 trang trại, doanh nghiệp ứng dụng IoT trong nông nghiệp thông minh. Đó chính là cơ sở hạ tầng quan trọng để đưa Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp. Trong tổng số 32 trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng IoT, riêng tỉnh Lâm Đồng đã có 15 doanh nghiệp, trang trại. Các doanh nghiệp, trang trại này ứng dụng công nghệ để trồng rau, hoa, dâu tây, đạt doanh thu 5-8 tỷ đồng/ha/năm... Việc ứng dụng công nghệ giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí, tránh rủi ro vụ mùa và chủ động thị trường, qua đó góp phần phát triển nông nghiệp sạch, an toàn và bền vững. Song, có một thực tế là chi phí ban đầu để thực hiện giải pháp IoT khá cao, do phải nhập khẩu từ nước ngoài và cũng vì trong nước chưa có doanh nghiệp nào sản xuất các thiết bị phù hợp với sản xuất nông nghiệp Việt Nam...

Chia sẻ kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết, Israel có 50% đất đai là sa mạc, chỉ có 20% diện tích đất có thể trồng trọt được lại rất thiếu nguồn nước..., song lại rất thành công khi ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Nước này đã tự sản xuất được 95% sản lượng lương thực và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như cam, chà là; đặc biệt trở thành quốc gia xuất khẩu công nghệ của ngành Nông nghiệp trên toàn cầu. Kết quả đó không chỉ minh chứng cho ý chí, nỗ lực của quốc gia này, mà còn khẳng định tính đúng đắn của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn TH True Milk chia sẻ, TH đã áp dụng hệ thống phần mềm quản lý của Israel để chăm sóc đàn bò. Cùng với đó là hệ thống quản lý chất lượng, sản lượng, thành phần sữa; hệ thống vắt sữa tự động, hiện đại. Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp - VinEco, toàn bộ hệ thống sản xuất của VinEco đều theo công nghệ nuôi trồng nhà kính tiên tiến nhất của Israel. Tương tự, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) cho biết, công ty đã sớm đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo những giống đậu nành cho năng suất đạt 2,5-2,8 tấn/ha, trong khi các giống bình thường chỉ đạt 1,5-1,8 tấn/ha.

Ứng dụng công nghệ để có sản phẩm an toàn

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã gặp không ít khó khăn khi triển khai ứng dụng công nghệ trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Chẳng hạn, tại Lâm Đồng, nếu như trước đây chỉ có 5-6 tháng là mùa mưa, thì nay thời gian mưa nhiều hơn; hay đợt nắng nóng vừa qua tại miền Bắc, nhiệt độ ngoài trời tới 45 độ C thì nhiệt độ trong nhà kính lên đến 60 độ C... "Vì thế, xây dựng kế hoạch sản xuất phải dựa theo khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng và thực tế thì biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp..." - bà Thảo đề xuất.

Mô hình rau thủy canh ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Bá Hoạt


Chia sẻ về cách làm, ông Ngô Văn Tụ cho rằng, để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hóa, cần xây dựng cơ chế để chính quyền, doanh nghiệp và người dân kết nối trong một mối quan hệ bền chặt, các bên đều có lợi. Cụ thể, cần chú trọng để người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất khép kín ứng dụng công nghệ cao và phát huy lợi thế vùng miền, chứ không chỉ đơn thuần là tạo việc làm cho người dân địa phương. Ngoài ra, tùy theo thực trạng đồng ruộng của mỗi vùng mà có các giải pháp cũng như thiết bị, công cụ có thể cơ giới hóa phù hợp, giúp cải thiện một phần sức lao động, giảm chi phí cho nông dân.

Cũng từ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp thông minh tại Israel, có thể thấy, Israel có hệ sinh thái nông nghiệp rất phát triển với những đối tác trực tiếp là Chính phủ, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ. Trong đó, Chính phủ Israel đã trực tiếp tham gia, hỗ trợ tài chính cho các viện nghiên cứu về nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp để chế tạo những công nghệ mới. Khi thành công, các đối tác này phải trả lại khoản đầu tư ban đầu của Chính phủ. Cách làm này đã thúc đẩy tinh thần sáng tạo của các đối tác tham gia nghiên cứu công nghệ.

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bản chất nông nghiệp thông minh là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường; từ đó cải thiện, làm giàu đời sống người nông dân. Việc ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp thông minh không thể theo phương thức “dàn hàng ngang” cùng tiến, mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp với mỗi loại sản phẩm dựa trên điều kiện tự nhiên, xã hội của mỗi vùng, miền.

Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phân tích 5 vấn đề. Trong đó, các trường đại học cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu thế thời đại phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0; các viện nghiên cứu có chiến lược nghiên cứu phần mềm và phần cứng ứng dụng giải pháp IoT, tạo ra các công nghệ mới có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp thông minh...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp thông minh gắn với sản xuất an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.