(HNM) - Trong ngày đầu Xuân Tân Sửu, trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hànộimới về mục tiêu, nhiệm vụ của nông nghiệp Thủ đô, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Năm 2021, ngành Nông nghiệp Thủ đô tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, lấy thị trường làm căn cứ phát triển bền vững, lấy công nghệ cao làm đột phá, xây dựng một nền nông nghiệp giá trị cao, để nông thôn Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại; đời sống người nông dân ngày một sung túc hơn.
- Nhân dịp năm mới, ông có thể chia sẻ về những mục tiêu phát triển chính của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong năm 2021?
- Mục tiêu chung của ngành Nông nghiệp Thủ đô là sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất theo chuỗi giá trị với cơ cấu các lĩnh vực sản phẩm chủ lực có chất lượng, tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường Hà Nội và hướng tới xuất khẩu; đồng thời phát triển nông nghiệp làng nghề kết hợp du lịch trải nghiệm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu... Năm 2021, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 4,2% trở lên; thu nhập bình quân của nông dân đạt 58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt trên 95%...
- Mục tiêu trên thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành Nông nghiệp Thủ đô, tuy nhiên, phía trước vẫn có nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp và khó lường. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những khó khăn này?
Bên cạnh những cơ hội từ nền kinh tế hội nhập, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu làm gia tăng các loại hình thời tiết cực đoan; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiếp tục diễn biến phức tạp; thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu không ổn định; sản phẩm nông nghiệp chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt... Mặt khác, xu thế phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất nông nghiệp thực hành tốt (VietGAP, GlobalGAP...) đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp.
Cùng với đó, Hà Nội đang trong quá trình công nghiệp hóa, phát triển đô thị theo chiều rộng, tất yếu dẫn đến việc giảm khá lớn diện tích đất đai và tài nguyên nước của sản xuất nông nghiệp. Chưa kể sự chuyển dịch mạnh mẽ lực lượng lao động trẻ từ khu vực sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đã, đang ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động nông nghiệp, nhất là vào thời vụ sản xuất. Bên cạnh đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế vì điều kiện đất đai, cơ chế chính sách khuyến khích chưa thực sự hấp dẫn... Và đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở cả trong nước và thế giới.
- Vậy ngành Nông nghiệp sẽ triển khai những giải pháp nào để đạt được mục tiêu đề ra, thưa ông?
- Ngành Nông nghiệp Hà Nội xác định: Tái cơ cấu ngành là nội dung trọng tâm, lấy công nghệ cao làm đột phá và lấy thị trường làm căn cứ để phát triển bền vững, xây dựng nền nông nghiệp giá trị cao. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ giảm dần diện tích gieo trồng; chăn nuôi theo hướng tập trung vào phát triển con giống; đồng thời phát triển dịch vụ nông nghiệp, giảm bớt người làm nông nghiệp trực tiếp, từng bước hình thành những nông dân công nghệ, nông dân kinh doanh, nông dân của thị trường.
Trong năm 2021, trên mỗi lĩnh vực, nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung vào những mặt hàng, những loại hình có thế mạnh. Đối với trồng trọt, duy trì 62.806ha trồng lúa, trong đó chủ lực là lúa chất lượng cao. Cụ thể, Hà Nội sẽ tập trung phát triển lúa gạo tại các vùng sản xuất tập trung, theo hướng tăng cơ cấu giống lúa Japonica để phục vụ tiêu dùng trong thành phố và xuất khẩu. Cùng với đó duy trì 7.200ha hoa, cây cảnh với các giống chủ lực như hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, các giống hoa mới nhập khẩu..., đầu tư hình thành các vùng tập trung (quy mô từ 20 đến 50ha trở lên) ứng dụng công nghệ cao, thông minh... Còn cây ăn quả, thành phố duy trì 22.350ha, tập trung phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản của Hà Nội.
Đối với chăn nuôi, Hà Nội chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh; phát triển theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại có quy mô lớn. Cụ thể, năm 2021, Hà Nội sẽ phát triển đàn lợn khoảng 1,8 triệu con trở lên, (tăng 32% so với năm 2020) đàn bò khoảng 150 nghìn con (tăng 11%)… Thành phố sẽ phát triển con giống năng suất, chất lượng cao hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp con giống cho các địa phương khác.
Với thủy sản, duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24.000ha, nâng sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 124 nghìn tấn (tăng 6,4% so với năm 2020); đồng thời phát triển các vùng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng với các giống có giá trị cao.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ đầu tư phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại. Dự kiến năm 2021, tổng số hợp tác xã sẽ là 1.255, trong đó có 60 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới; phấn đấu tăng giá trị dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp 10-15%/năm; đồng thời phát triển các dạng kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết; kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề.
Cùng với đó, Hà Nội sẽ phát triển ngành nghề nông thôn; thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” một cách hiệu quả; gắn hoạt động kinh tế làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống; phấn đấu tổng số làng nghề được công nhận năm 2021 là 328 làng nghề. Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu và ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.