Nông nghiệp - Nông thôn

Công nghệ là chìa khóa thành công của ngành nông nghiệp

Thu Hằng 01/10/2024 - 15:24

Sáng 1-10, trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024) do Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, diễn ra “Diễn đàn công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”.

1(3).jpg
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Thu Hằng

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin: Trong 10 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi... Nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan); cà phê, cao su có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới; hồ tiêu, cá tra (năng suất 500 tấn/ha) năng suất đứng đầu thế giới; năng suất trồng rừng đạt bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm; công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt trên 40 tấn/ha, cao gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ...

Theo ông Nguyễn Mai Dương, ngành nông nghiệp đã đưa ra rất nhiều định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp, trong đó phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được coi là mũi nhọn, là chìa khóa thành công, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

tuan.jpg
PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Ảnh: Thu Hằng

Tại diễn đàn, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho biết, nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến sâu một số nông sản chủ lực (rau quả, lúa gạo, chè, cà phê, điều, tiêu, sắn, cao su) và một số sản phẩm chủ lực thủy, súc sản và gia cầm là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp. Hiện nay, trình độ công nghệ thuộc lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch của Việt Nam nằm ở mức trung bình tiên tiến so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới, trong đó một số công nghệ và thiết bị đặc thù đã tiếp cận, ngang và vượt so với sản phẩm cùng loại của các nước phát triển.

Tuy nhiên, sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú; sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ vẫn thấp (10-40% tùy ngành hàng), chất lượng sản phẩm chế biến chưa cao, tính cạnh tranh thấp, giá trị thấp, giá xuất khẩu thường thấp hơn giá thị trường thế giới cùng loại 10-15%.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch sẽ góp phần làm thay đổi phương thức và trình độ sản xuất. Để thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo nói chung và lĩnh vực bảo quản chế biến sau thu hoạch nói riêng, cần tập trung nguồn lực (nhân lực và vật lực) theo từng giai đoạn để tăng cường năng lực nghiên cứu đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong bối cảnh nâng cao tính tự chủ và cải cách tiền lương; tạo môi trường sinh thái từ Nghiên cứu cơ bản, Nghiên cứu ứng dụng và Triển khai ứng dụng (Viện/Trường/Doanh nghiệp)... Đặc biệt, cơ chế, chính sách cần tháo gỡ, đổi mới và đồng bộ để khuyến khích và tạo được động lực cho các nhà khoa học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ là chìa khóa thành công của ngành nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.