(HNM)- Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay kéo dài 4 ngày (từ 1 đến 4-9), nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân dự báo sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch cũng sẽ thu hút một lượng lớn du khách, kéo theo đó là những quán ăn mang tính chất thời vụ mọc lên, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: “Nhận thức về vấn đề an toàn thực phẩm của người kinh doanh, sử dụng thực phẩm đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, vi phạm vẫn tồn tại, chủ yếu ở những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo quy trình thủ công, hay những cơ sở làm ăn thời vụ…”.
Đáng lo ngại, với những hàng quán thời vụ, do người bán hàng di chuyển nhiều nơi, hạn chế về cơ sở vật chất, điều kiện bảo quản thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt và nguồn cung cấp thực phẩm cũng chưa thành hệ thống, nên còn tồn tại không ít vi phạm. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh thời vụ thường ít tuân thủ quy trình chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn. Đơn cử như không thực hiện việc đeo găng tay khi chế biến thực phẩm chín, không dùng kẹp gắp hay chia thức ăn, thậm chí còn để thức ăn sống - chín lẫn lộn… Đây là những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng. Điều đáng nói, tại các quán hàng nhếch nhác, tạm bợ, nhưng vẫn thu hút không ít thực khách.
Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nói không với thực phẩm mất an toàn. Mặt khác, khi phát hiện cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các điểm du lịch, vui chơi, giải trí, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.