(HNM) - Kiên quyết nói “không” với thực phẩm bẩn là mục tiêu, cũng là nhiệm vụ quan trọng tại tất cả các nhà trường.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra việc lưu mẫu thức ăn tại nhà ăn một trường học. |
Không chủ quan, lơ là
Qua thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.600 trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, chiếm 65% tổng số trường của toàn thành phố. Trong số này, số trường mầm non và tiểu học chiếm tỷ lệ hơn 90%, số còn lại là trường THCS và một số ít trường THPT. Thực tế này đặt lên vai những người làm công tác quản lý ngành và ban giám hiệu các nhà trường mối lo về việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho học sinh tại trường học. Bởi, số lượng học sinh ăn bán trú tại trường nhiều, đều ở độ tuổi nhỏ, sức đề kháng yếu, dễ có nguy cơ bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tùy theo nhu cầu và đặc thù lứa tuổi, các nhà trường thường phục vụ học sinh ăn từ 1 đến 4 bữa/ngày. Thời gian qua, hầu hết các nhà trường đều đã triển khai nghiêm túc các quy định về bảo đảm chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sự việc hơn 200 bé Trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh) bị ngộ độc vào trung tuần tháng 11 vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các nhà trường và cả phụ huynh học sinh trong việc quan tâm hơn đến chất lượng bữa ăn và nguồn thực phẩm tại trường học. Mặc dù trong nhiều năm qua, tại các nhà trường trên địa bàn Thủ đô chưa xảy ra hiện tượng ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nào, song sự việc tại Trường Mầm non Xuân Nộn cho thấy, đây là vấn đề cần được quan tâm sát sao hơn nữa và tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các trường học yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Các đơn vị có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống tai nạn thương tích đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong phạm vi quản lý. Các trường tổ chức nội trú, bán trú phải thực hiện đúng các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, căng tin trường học. Trong trường hợp xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm túc chế độ giám sát, báo cáo về ngộ độc thực phẩm với cơ quan chức năng tại địa phương và các cấp quản lý giáo dục; đồng thời, tích cực phối hợp triển khai các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả kịp thời.
Tăng giám sát, chung trách nhiệm
Năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phát động phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” trong toàn ngành, nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh trong việc phối hợp thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, phòng chống tai nạn thương tích trong trường học. Đây cũng là giải pháp thiết thực của ngành Giáo dục - Đào tạo, nhằm “lấy xây để chống”, khống chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua nguồn thực phẩm không an toàn.
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho biết, đơn vị đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức ăn bán trú tại các nhà trường, trong đó có việc kiểm tra chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, suất ăn; kiên quyết không để các đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn không bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm cung cấp dịch vụ tại các nhà trường. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND quận, tất cả các bếp ăn đều phải tuân thủ nghiêm túc việc ghi chép sổ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn 24 giờ, sắp xếp khu vực bếp ăn theo nguyên tắc một chiều.
Mặc dù cơ quan quản lý đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường giám sát việc tuân thủ quy trình về bảo đảm an toàn thực phẩm, song nhiều phụ huynh học sinh vẫn không khỏi lo lắng. Ông Lê Tuấn Anh (tổ 10, phường Thạch Bàn, quận Long Biên) cho hay: Dù biết rằng, với cấp từ tiểu học trở lên, việc nuôi dưỡng không phải là nhiệm vụ chuyên môn được quy định tại điều lệ, song khi đã nhận nhiệm vụ, được phụ huynh tin tưởng gửi con học bán trú, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính. Cơ quan chức năng không thể ngày nào cũng đi kiểm tra. Bởi vậy, đội ngũ này cần được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Còn bà Nguyễn Mai Lan (phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) cho rằng, việc chung tay của các lực lượng, trong đó có phụ huynh học sinh trong việc giáo dục, tạo cho học sinh thói quen không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không mua thực phẩm ở các hàng rong... cũng là điều cấp thiết. Đây không chỉ là biện pháp để các em chủ động bảo vệ chính mình mà còn góp phần tẩy chay thực phẩm bẩn, hạn chế dần các nguy cơ về ngộ độc thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.