An toàn thực phẩm

Xây dựng bản đồ ẩm thực Foodtour: An toàn vệ sinh thực phẩm đặt lên hàng đầu

Hoàng Lân 30/06/2023 - 06:36

Thành phố Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng bản đồ ẩm thực Foodtour để chỉ dẫn các điểm ăn uống, nhà hàng bảo đảm chất lượng cho du khách. Một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu trong việc xây dựng bản đồ ẩm thực Foodtour đó là phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bởi đây là yếu tố được du khách quan tâm hàng đầu khi trải nghiệm ẩm thực Thủ đô.

doan-kiem-tra-lien-nganh-so.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một nhà hàng trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: Lộc Xuân

Định vị thương hiệu ẩm thực Hà Nội

Vừa qua, Tổ chức Michelin công bố danh sách nhà hàng của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn để phục vụ khách. Theo đó, Hà Nội có 48 cơ sở ăn uống được Michelin lựa chọn, trong đó có 3 nhà hàng được gắn “1 sao Michelin”, 13 nhà hàng nhận giải quán ăn ngon với giá cả phải chăng, 32 nhà hàng thuộc danh sách tuyển chọn Michelin (Michelin Selected). Ngoài những nhà hàng đạt chuẩn theo tiêu chí riêng của Michelin, Hà Nội cũng có nhiều cơ sở ăn uống đạt chất lượng, được các cơ quan chức năng thẩm định.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện Hà Nội có 29 cơ sở kinh doanh ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, danh sách này được công nhận dựa trên hồ sơ đăng ký của các cơ sở ăn uống, sau đó cơ quan chức năng sẽ đi kiểm tra tiêu chí để đánh giá, trong đó yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, từ lâu nay, ẩm thực Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế như CNN, TripAdvisor, TasteAtlas… đánh giá rất cao. Cùng với những lợi thế này và việc được Michelin lựa chọn danh sách nhà hàng đạt chuẩn, Hà Nội chủ trương phát triển mạnh du lịch ẩm thực trong thời gian tới. Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ du lịch ẩm thực Foodtour dựa trên các tiêu chí đánh giá về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng món ăn, dịch vụ.

Hiện nay, nhiều cơ sở ăn uống sau khi lọt vào các danh sách đánh giá của Michelin cũng đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo bà Phạm Bích Hạnh, chủ chuỗi nhà hàng Ngon Garden và Quán Ăn Ngon (trong danh sách của Michelin) cho biết, nhà hàng tuyển chọn nhiều đầu bếp nổi tiếng, kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm từ đầu vào và khâu chế biến. Thực phẩm tươi sống được bảo quản cấp đông đúng quy trình.

Chấn chỉnh các vi phạm an toàn thực phẩm

Theo Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của Hà Nội, các đợt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm toàn thành phố luôn có những nhà hàng, cơ sở ăn uống không đạt tiêu chuẩn. Ngay trong đợt kiểm tra vào tháng 4 và 5 vừa qua, nhiều cơ sở không bảo đảm bị lập biên bản, điển hình như nhà hàng Maison Sen Buffet trên địa bàn quận Thanh Xuân không có phân khu riêng biệt sơ chế, bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định…

Theo Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong 4 tháng đầu năm, quận xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm 56 trường hợp với tổng số tiền gần 290 triệu đồng.

Là một trong những quận trung tâm, tập trung nhiều cơ sở ăn uống, nhà hàng thu hút đông khách du lịch, đặc biệt là khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, trên địa bàn quận hiện có 2.735 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị, 4 chợ có hoạt động bán hàng thực phẩm (Đồng Xuân, 19-12, Hàng Da, Hàng Bè), trong đó nhiều cơ sở thu hút đông du khách.

“Ngoài tuyên truyền, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho đầu bếp tại nhà hàng, Phòng Y tế quận Hoàn Kiếm thường xuyên kiểm tra các cơ sở ăn uống. Riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, chúng tôi đã kiểm tra 869 cơ sở, xử phạt 96 cơ sở với số tiền gần 215 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 4 cơ sở”, bà Phạm Thị Thanh Nhàn chia sẻ.

Cũng giống như quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng cũng là một trong những địa bàn có nhiều cơ sở ăn uống, kinh doanh dịch vụ. Đại diện Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng cho biết, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được tiến hành hằng tuần tại các phường, đặc biệt là tại những phường tập trung đông hàng quán thu hút khách du lịch. Những cơ sở vi phạm, bị xử phạt đều bị niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử của quận. Riêng trong tháng 5-2023, Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng đã lập danh sách 29 cơ sở ăn uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bị xử phạt.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang nỗ lực các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó có du lịch ẩm thực với thông điệp: "Hà Nội - Điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn". Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, tới đây, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan có những quy định cụ thể về chất lượng đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống, thực phẩm để xây dựng bản đồ ẩm thực Foodtour.

“Cơ sở ăn uống được giới thiệu trong bản đồ ẩm thực của Hà Nội phải đạt tiêu chí hàng đầu là vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đơn vị phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện như trong Nghị định số 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Việt Nam”, bà Đặng Hương Giang cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng bản đồ ẩm thực Foodtour: An toàn vệ sinh thực phẩm đặt lên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.