An toàn thực phẩm

Cảnh báo an toàn vệ sinh thực phẩm nơi cổng trường

Xuân Lộc 12/09/2023 - 07:22

Sau khi ăn các loại kẹo sữa, nước đóng gói bán ở cổng trường, 25 học sinh Trường Tiểu học Việt Chu (xã Thống Nhất, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) bị đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, nghi bị ngộ độc; trong đó có 6 trẻ phải nhập viện.

Vụ việc này xảy ra khi năm học mới vừa bắt đầu lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn, vệ sinh thực phẩm từ những hàng quán bán rong xung quanh khu vực cổng trường.

attp.jpg
Điều trị cho học sinh bị đau bụng, buồn nôn sau khi ăn kẹo mua ngoài cổng trường tại Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang (tỉnh Cao Bằng).

Phụ huynh lo lắng

Trong lúc giờ ra chơi vào sáng 7-9, một số học sinh Trường Tiểu học Việt Chu đã ra ngoài cổng trường mua kẹo, thạch si rô dừa, kẹo ngậm hương vị sữa chua và dâu tây để ăn. Ngay sau đó, 25 em học sinh đã có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi. Nhận được thông tin, cán bộ y tế nhà trường và phụ huynh học sinh nhanh chóng đưa các em đến Trung tâm Y tế huyện Hạ Lang. Tại đây, 6 trẻ có biểu hiện nặng được truyền dịch, thải độc; 19 trẻ còn lại sức khỏe ổn định nên được cho về nhà theo dõi.

Trước đó, vào cuối tháng 4-2023, 8 học sinh Trường Tiểu học Tân Thành (thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) chia nhau ăn gói kẹo mua ở cổng trường. Khoảng 1 giờ sau, các học sinh này đều có biểu hiện mệt mỏi, nôn, đau bụng và được đưa đến Trung tâm Y tế thành phố Đồng Xoài cấp cứu.

Cũng trong tháng 4-2023, tại Trường Tiểu học Quế Hiệp (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), vào giờ ra chơi, 16 học sinh lớp 2 ra trước cổng trường để mua kem ống ăn. Sau đó, nhóm học sinh này có triệu chứng nôn, mệt…

Còn tại Hà Nội hiện nay, quanh khu vực các cổng trường học, không khó để bắt gặp những gánh hàng rong, xe đẩy, điểm bán hàng cố định có bày bán đủ các món ăn vặt, đồ chơi… Các món ăn vặt rất đa dạng từ thịt xiên nướng, xúc xích, viên tôm, viên bò, viên gà, viên cá, viên phô mai, bánh tráng, bánh ngô, khoai chiên… đến các loại đồ uống đóng chai, kem, kẹo mút, kẹo viên có màu xanh, đỏ, hình các con thú hay nhân vật trong phim hoạt hình...

Các loại thực phẩm này có giá rất rẻ chỉ từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng/hộp, chiếc hoặc cốc. Đặc điểm dễ nhận thấy của các thực phẩm ăn nhanh này là được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi và nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thế nhưng, những món ăn vặt “3 không” (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) này vẫn cuốn hút được học sinh và trở thành mối lo của những bậc phụ huynh.

Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh có con học lớp 5 một trường tiểu học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Có lúc thấy trong cặp con có những chiếc kẹo mút xanh đỏ, tôi hỏi thì bé nói được bạn cho. Sau đó, tôi mang vứt đi thì bé bảo, các bạn con thường xuyên mua ở cổng trường và ăn có sao đâu. Quà vặt trước cổng trường giá thường rất rẻ nên sợ nhất là các loại kẹo, bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay các loại thịt, bánh rán được chiên đi chiên lại nhiều lần trong các loại dầu ăn không bảo đảm... Thế nhưng, khi ở trường, nếu con có ăn những món ăn này thì cha mẹ khó có thể kiểm soát được. Đây là điều khiến tôi cảm thấy lo lắng”.

Chung mối lo này, chị Trần Nam Trang, phụ huynh có con học lớp 3 một trường tiểu học trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin, lực lượng công an, quản lý thị trường đã bắt nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ hàng lậu bánh, kẹo. Các loại bánh, kẹo này thường không bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng... Vì thế, những loại bánh, kẹo “3 không” này bán ở trường học sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội

Để hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ các quán hàng không bảo đảm an toàn, một số trường học trên địa bàn Hà Nội đã có quy định cấm ăn quà trước cổng trường, phổ biến đến học sinh và các bậc phụ huynh ngay từ đầu năm học, đồng thời thực hiện việc đóng cổng trường giờ ra chơi. Cùng với đó, các nhà trường cũng đã tăng cường tuyên truyền cho học sinh kiến thức về an toàn thực phẩm, nói không với các thực phẩm “bẩn”.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đã phối hợp kiểm tra, xử lý các điểm bán đồ ăn vặt tại cổng trường trên địa bàn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, dẹp bỏ những hàng quán ăn vặt trước cổng trường vẫn là vấn đề nan giải.

Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn dễ gây ra các vấn đề ngộ độc tức thời như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Điều lo ngại hơn, những thực phẩm “3 không” này còn tác động âm thầm khi trẻ ăn, uống, tiếp xúc trong một thời gian dài và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì…

Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Đề cập đến giải pháp của vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để giải quyết triệt để các quán hàng rong tại cổng các trường học cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội. Trước hết, ban giám hiệu nhà trường, hội phụ huynh học sinh cần phải tìm ra biện pháp để ngăn chặn những thực phẩm “3 không” không thể tiếp cận được đến tay học sinh.

“Trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm giáo dục con em mình về những tác hại của thực phẩm “3 không” đối với sức khỏe. Tại các nhà trường nên kiểm soát, tạo cuộc vận động và xây dựng phong trào vệ sinh, an toàn thực phẩm, học sinh toàn trường không ăn quà vặt không rõ nguồn gốc. Còn cơ quan chức năng cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các loại thực phẩm mất an toàn bày bán trước cổng trường”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo an toàn vệ sinh thực phẩm nơi cổng trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.