(HNM) - Ðề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đặt ra lộ trình đến năm 2015 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định đối với vấn đề nợ xấu, đó là quá trình xử lý nợ xấu vẫn đang diễn ra một cách ì ạch...
Nợ xấu là gánh nặng gây tắc nghẽn dòng chảy tín dụng.Ảnh: Thanh Hải |
Nợ xấu thực thường cao hơn nhiều so với báo cáo
Tỷ lệ nợ xấu thực bao giờ cũng cao gấp ít nhất 4 lần con số báo cáo. Ứng với trường hợp Thái Lan vào năm 1997, trước khủng hoảng tỷ lệ nợ xấu bất động sản (BĐS) được báo cáo chỉ có 5%, nhưng đến khi xảy ra khủng hoảng thì tỷ lệ này đã tăng vọt đến 50%, gấp đúng 10 lần. Còn ở Việt Nam, con số được báo cáo thường dao động 6-10%. Vào cuối năm 2011, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cũng đã có một báo cáo rất chi tiết về các ngân hàng dính đến nợ xấu và nợ xấu BĐS. Song khi đó, con số nợ xấu ở nhiều ngân hàng mới chỉ dừng ở mức 10-15%. Tất nhiên, nhiều ngân hàng vẫn cố giấu kín thực chất nợ xấu của họ. Nhưng từ gần giữa năm 2012, khối ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu phải tiết lộ về những con số nợ vay BĐS và sau đó vấn đề này trở thành một làn sóng khắp các ngân hàng, biến thành tiếng kêu cứu của họ.
(Ông John Sheehan, thành viên của Tổ chức Giám định bất động sản Hoàng Gia Anh (FRICS).
Chưa kiểm soát được nợ xấu
Mặc dù thời gian qua, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng đã làm được một số việc như sáp nhập một số ngân hàng yếu kém, nhưng thực tế nó chỉ càng bộc lộ rõ hơn đây là việc xử lý một cách đối phó nhằm tránh bị sụp đổ. Hai vấn đề mấu chốt, cơ bản nhất của tái cơ cấu ngân hàng là xử lý nợ xấu và giải quyết vấn đề sở hữu chéo thì lại chưa làm được. Nợ xấu vẫn tăng; sở hữu chéo, cho vay sân sau rất lớn mà vẫn chưa kiểm soát được.
(TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam).
Nợ xấu kìm hãm tăng trưởng kinh tế
Nợ xấu nếu không được xử lý kiên quyết hơn và vẫn tiếp tục để các ngân hàng tự xử lý như hiện nay sẽ không hỗ trợ tích cực cho phục hồi kinh tế. Bởi khi "cục nợ xấu" vẫn lớn, gánh nặng đó sẽ làm tắc nghẽn dòng chảy tín dụng, góp phần kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
(TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội).
Cố thủ nợ xấu, hậu quả khôn lường
Việc ngân hàng e ngại bán nợ cho VAMC chắc chắn có vì nhiều ông chủ ngân hàng tại Việt Nam đang đóng nhiều "vai": Vừa là chủ ngân hàng, đồng thời là chủ tập đoàn, cũng là chủ nợ - con nợ... Chẳng ai lại thích "lộ gót chân a-sin" của mình, nên họ thích để món nợ tại ngân hàng tự xử lý âm thầm hơn là mang bán cho VAMC. Một khi đã bán cho VAMC sẽ bị đấu giá công khai trên thị trường, tên tuổi bị "bêu"..., họ sẽ là người chịu thiệt. Ngược lại, những khoản nợ mà họ thấy khả năng không thể xử lý nổi thì "đùn" sang VAMC cũng là chuyện bình thường. Điều đáng lo ngại hiện nay là các tập đoàn lớn (kể cả quốc doanh và tư nhân) đang nợ ngân hàng rất nhiều. Có những khoản nợ của các DN, tập đoàn không dừng lại ở con số hàng chục nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng với điều kiện thị trường hiện tại quá ảm đạm không thể trả được. Lòng tin giữa ngân hàng - DN hiện đang rất thấp, chủ yếu là do nợ xấu. Nếu mỗi bên đều giữ an toàn cho mình, cố thủ không xử lý nợ xấu thì hậu quả khôn lường.
(TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh - BDI).
Trách nhiệm xử lý nợ xấu không của riêng ai
Nợ xấu từ lâu đã khiến các nhà quản lý đau đầu, nó không phải là vấn đề của riêng ngành ngân hàng mà là của toàn nền kinh tế. Bởi vậy, trách nhiệm xử lý nợ xấu không phải của riêng ai. Khi nợ xấu quá lớn, vượt khỏi tầm giải quyết của ngành ngân hàng, thông thường chính phủ nhiều nước phải đứng ra giải quyết. Song ở Việt Nam, dường như chúng ta đã nhìn ra vấn đề nhưng vẫn coi nó là của ngành ngân hàng. Do đó, nợ xấu ở Việt Nam vẫn khó có thể giải quyết được.
(TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.