Chính trị

Nợ đọng văn bản chưa được giải quyết dứt điểm

Bảo Hân 07/11/2023 - 12:34

Sáng 7-11, trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết chưa được giải quyết dứt điểm.

le-thanh-long1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn sáng 7-11.

Bộ trưởng thông tin, năm 2023 chưa ban hành 12 văn bản đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật, giảm 18 văn bản so với năm 2020, tăng 4 văn bản so với năm 2021 và bằng so với năm 2022. Nguyên nhân chủ quan vẫn chủ yếu, trong đó có sự chưa chủ động, chưa cố gắng và chưa lường hết được của các chủ thể trình ban hành văn bản.

Về nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, một số văn bản luật yêu cầu số văn bản quy định chi tiết nhiều, một số văn bản khó.

“Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chung tham mưu cho Chính phủ trong việc thẩm định, rà soát và đôn đốc kiểm tra việc thi hành. Trong sự chậm trễ của các bộ, ngành, có trách nhiệm chung của Bộ Tư pháp”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu.

Về khắc phục, Bộ trưởng cho biết có các giải pháp đã triển khai từ trước đến nay, đó là các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng văn bản pháp luật.

Các bộ, ngành trong giai đoạn soạn thảo, ngoài việc thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần tiếp tục cố gắng để xác định rõ các nội dung ở trong văn bản quy định chi tiết.

Tương tự, trong quá trình thẩm tra, thẩm định văn bản, đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ với nhau, đối với vấn đề chưa rõ, chưa nên đề xuất đưa vào chính sách; hạn chế nội dung các văn bản quy định chi tiết tương tự nhau mà quy định trong một văn bản.

Bộ Chính trị đã ban hành những quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và sắp tới công tác xây dựng văn bản sẽ là một kênh cùng với giám sát của Quốc hội, Bộ trưởng tin tưởng công tác này sẽ tạo được đà phát triển và khắc phục được tốt hơn những tồn tại, hạn chế.

db-nguyen-thi-yen-nhi.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) nêu, so với thời điểm có hiệu lực của các luật, với 100 luật, nghị quyết của Quốc hội thì có trên 65 luật và nghị quyết chậm quy định chi tiết thi hành.

“Nếu nói là vấn đề này tồn tại nhiều năm thì cần có những giải pháp thật sự quyết liệt hơn. Như Bộ trưởng nói, chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan thì việc tham mưu cho Chính phủ trong các vấn đề xác định trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm này trong thời gian tới phải thật sự quyết liệt”, đại biểu thẳng thắn nêu.

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi bổ sung 2020 là đạo luật hết sức quan trọng, mặc dù trên thực tế thực hiện có những vướng mắc.

Việc xây dựng hệ thống pháp luật đã cơ bản đạt kết quả quan trọng. Đến nay, chúng ta hướng đến hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, tránh vướng mắc, chồng chéo, tức chuyển hướng sang “chỉnh tinh” hệ thống pháp luật thì cần cập nhật Luật và các văn bản liên quan như: Làm thực chất hơn đánh giá tác động, tăng cường vai trò giải thích pháp luật, trách nhiệm của các chủ thể trong rà soát pháp luật...

Án hành chính tăng, nhiều vụ việc phức tạp

Trả lời chất vấn liên quan đến án hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, cần phân định rạch ròi giữa tố tụng hành chính và thi hành án hành chính. Liên quan đến thẩm quyền của Bộ Tư pháp về thi hành án hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định việc thi hành án hành chính hiện chưa tốt, chưa đạt như mong muốn.

Nội dung các án hành chính chưa thực hiện được chủ yếu liên quan giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tập trung ở một số địa phương, ngoài ra còn một số liên quan đến án chưa thi hành án xong.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nợ đọng văn bản chưa được giải quyết dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.