(HNM) - Nợ công của Việt Nam vẫn ở mức ổn định là thông tin được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đưa ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra ngày 31-7 tại Hà Nội. Cũng tại phiên họp này, lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời báo chí về vụ việc bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn,
Lạm phát được kiểm soát
Mở đầu phiên họp Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, trước khi diễn ra họp báo ít phút, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2015. Thủ tướng Chính phủ kết luận: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2015 tiếp tục đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các ngành kinh tế tiếp tục phát triển, công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh mẽ. Đáng chú ý hơn, chỉ số sản xuất (IIP) tăng mạnh (tháng 7 tăng 11,3%, 7 tháng tăng 9,9%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng cao hơn mức tăng chung của ngành và tăng 10,1%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 9,9%. Đây là các tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi sức mua và tổng cầu của nền kinh tế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Dân trí |
Song bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta đối diện một số khó khăn, thách thức như sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, giá nông sản trên thị trường thế giới tiếp tục giảm, ảnh hưởng mạnh đến thị trường xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của nước ta, xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ, chưa đạt kế hoạch đề ra, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sụt giảm; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán còn nhiều khó khăn.
Với vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là nợ công của Việt Nam có đang trong mức an toàn không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, Bộ Tài chính đã báo cáo trước Quốc hội nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014, ước tính là 2,346 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 110 tỷ USD. Số liệu nợ công mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cũng chính là số liệu do Bộ Tài chính cung cấp. Mức nợ công này vẫn trong giới hạn theo quy định của Nghị quyết Quốc hội. Để kiểm soát nợ công trong giới hạn an toàn, Chính phủ sẽ luôn quan tâm chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị về vấn đề này.
Kiểm tra thông tin lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng
Không chỉ đề cập chi tiết thông tin liên quan đến nợ công, tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã trả lời báo chí về vụ việc bắt giữ ông Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vì có những sai phạm trong quá trình giữ chức vụ Tổng Giám đốc OceanBank. Trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về quy trình bổ nhiệm cán bộ có vấn đề hay không, khi mà không phát hiện ra sai phạm, nhất là trước khi bị bắt vài tuần, ông Sơn vẫn đi công tác tại Mỹ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, công tác bổ nhiệm cán bộ có những quy định khá đầy đủ để quản lý. Để bổ nhiệm một cán bộ lên tới chức vụ cao như ông Sơn, quy trình khá chặt chẽ, có nhiều khâu, từng bước, có nhận xét, xem xét, thẩm định, đánh giá các tiêu chuẩn… của các cơ quan liên quan một cách công khai, minh bạch, dân chủ. Nhưng, quá trình đó đã không phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của một con người. "Không phát hiện hay không thể phát hiện, hay phát hiện nhưng không làm, điều đó sẽ được cơ quan điều tra làm rõ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định. Còn tại sao ông Sơn vẫn đi công tác ở Mỹ, theo cơ quan điều tra, chỉ khi có đủ bằng chứng chứng minh sai phạm thì mới áp dụng biện pháp ngăn chặn cần thiết. Trước khi đi Mỹ chưa đủ căn cứ chứng minh ông Sơn cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Về thông tin báo chí nêu: Một số doanh nghiệp lợi dụng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để trục lợi, trong khi người thu nhập thấp gặp khó khăn khi tiếp cận gói vay này, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sau hơn 2 năm thực hiện (đến 31-5-2015), tổng số tiền cam kết cho vay đối với khách hàng là khoảng 14.161 tỷ đồng (đạt gần 50% tổng số tiền của gói hỗ trợ), trong đó có hơn 18.000 hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền là gần 9.000 tỷ đồng. "Bộ Xây dựng đã giao Thanh tra Bộ và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản kiểm tra làm rõ; đồng thời tiến hành rà soát, tiếp tục hoàn thiện các quy định về đối tượng và điều kiện cho vay để tránh việc lợi dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo rà soát kỹ quy trình cho vay, việc giải ngân vốn vay bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định và sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trước hết là ở những địa phương mà báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các vi phạm" - ông Nguyễn Văn Nên cho biết thêm. Một vấn đề khác, được dư luận Thủ đô quan tâm là việc vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà lần thứ 12, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của hơn 70.000 người dân. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam một số cá nhân liên quan, để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trước mắt, để khắc phục tình trạng vỡ đường ống, Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) đã thành lập tổ sẵn sàng khắc phục nhanh khi có sự cố. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã giao Vinaconex chủ động triển khai tuyến ống cấp nước giai đoạn 2 bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Dự kiến tháng 10-2015 sẽ khởi công và hoàn thành vào tháng 9-2016.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.