Các phiên chất vấn tại Quốc hội luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Cũng dễ hiểu bởi thực chất hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhằm mục đích giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội...
1. Các phiên chất vấn tại Quốc hội luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Cũng dễ hiểu bởi thực chất hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhằm mục đích giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, qua đó nhận diện rõ những vấn đề bất cập đang đặt ra, tồn tại trong đời sống kinh tế - xã hội, xác định rõ trách nhiệm và phương pháp khắc phục, tháo gỡ để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nói một cách khác, các phiên chất vấn thường động chạm đến những vấn đề nóng, ảnh hưởng sâu sắc, thiết thân đến người dân... và đó là lý do khiến các phiên chất vấn được đông đảo cử tri quan tâm, theo dõi.
Chính vì ý nghĩa như vậy mà phiên chất vấn của kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra được dư luận cả nước hết sức trông đợi. Thậm chí còn hơn thế, không chỉ bởi kỳ họp lần này là kỳ họp cuối của năm 2015, mà đây còn là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội này (kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII dự kiến diễn ra vào tháng 3-2016, chủ yếu là tổng kết nhiệm kỳ và chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XIV nên không có phiên chất vấn), do vậy mà đây có thể xem như là dịp "tổng kết", đánh giá cả quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước, các thành viên Chính phủ, đồng thời là dịp cử tri "sát hạch", "kiểm định" chất lượng lá phiếu của mình.
2. Phiên chất vấn vừa qua là một phiên chất vấn "khác thường". Thay vì những nhóm vấn đề gợi ý trước, danh sách bộ trưởng trả lời chất vấn được xác định trước, thì lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn với sự tham gia của hầu hết các thành viên Chính phủ để giải trình, làm rõ nhiều vấn đề nào trong lĩnh vực bộ, ngành mình quản lý; trả lời tất cả các câu hỏi của đại biểu (ĐB) Quốc hội về những lời hứa của mình từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cách thức chất vấn "theo vấn đề" (chứ không "theo người" như trước đây) giúp ĐB Quốc hội đặt được nhiều câu hỏi hơn và về lý thuyết thì không có người đứng đầu bộ, ngành nào được thoái thác trả lời về những vấn đề nóng trong lĩnh vực mình quản lý. Nói nôm na là "chất vấn đến cùng", "chất vấn lại những điều đã chất vấn". Phải khẳng định đây là một nỗ lực cải tiến rất đáng ghi nhận, thể hiện rõ tinh thần dân chủ, đổi mới và tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội. Có ý kiến nhận định rằng đó là những nét "khác thường" mang tính tích cực ở Quốc hội kỳ này.
Tuy nhiên, do đây là cách làm mới, lần đầu áp dụng nên sự chuẩn bị còn lúng túng, khó tránh khỏi những bất cập hay có thể gọi là "những khác thường chưa tích cực". Cụ thể là nhiều câu hỏi chất vấn nặng về trình bày nhưng lại thiếu tính chất vấn; việc chuẩn bị báo cáo của Chính phủ và một số bộ, ngành còn dài hơn so với quy định; đặc biệt là phần trả lời của một số lãnh đạo bộ, ngành dài dòng nhưng chưa nêu rõ hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và thiếu giải pháp đột phá để khắc phục, tạo chuyển biến trong thời gian tới. Đáng chú ý là có vị còn trả lời vòng vo, tránh đi vào trọng tâm chất vấn, né giải trình trách nhiệm... Nhiều nội dung chất vấn chưa đi đến tận cùng của vấn đề, chưa làm thỏa mãn ĐB Quốc hội và ở góc độ rộng hơn là chưa làm thỏa mãn cử tri. Đáng tiếc là có nhiều vấn đề nóng, tồn tại từ đầu nhiệm kỳ và được cử tri chờ đợi như vấn nạn tham nhũng, lãng phí, nợ công, hàng gian, hàng giả, hàng lậu, tình trạng "bốn bộ quản một mâm cơm", "ba bệnh nhân chung một giường", các vấn đề bức xúc trong lĩnh vực giáo dục như tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", cải cách thi cử hay mới phát sinh là nguy cơ bỏ môn Lịch sử (được gọi một cách văn hoa là tích hợp với môn học khác), cho đến chuyện tinh giản bộ máy, yếu kém của ngành du lịch, phá rừng làm thủy điện... vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Như nhiều ý kiến đã nhận xét "nhiều vấn đề nóng vẫn nguội". Thậm chí có "tư lệnh ngành" trả lời khá "ngây thơ", mang tính hài hước, "làm cả hội trường Quốc hội cười nghiêng ngả" như báo chí đã phản ánh!
3. Những năm gần đây, nhìn chung đội ngũ ĐB Quốc hội nước ta đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành sứ mạng cao cả của mình. Những ý kiến xác đáng của ĐB Quốc hội tại các kỳ họp, phiên họp Quốc hội đã góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đời sống xã hội, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là trong hoạt động chất vấn - vốn được cử tri trông đợi ở Quốc hội - nhiều ĐB Quốc hội đã thể hiện rõ năng lực, trí tuệ, trách nhiệm của mình trước cử tri, chất vấn thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, không ngại động chạm đến những vấn đề nhạy cảm, gai góc nhất, thể hiện bản lĩnh chất vấn đến cùng nhằm tìm ra giải pháp đột phá cho sự nghiệp phát triển đất nước. Những cố gắng, nỗ lực này được dư luận cử tri đặc biệt đánh giá cao.
Trong lĩnh vực chất vấn và trả lời chất vấn, hoạt động chất vấn của ĐB Quốc hội không phải với tư cách cá nhân, mà đại diện cho cử tri, thay mặt cử tri chuyển tải những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với các thành viên Chính phủ, các "tư lệnh ngành" nhằm tìm ra giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề vướng mắc, bức xúc nảy sinh trong đời sống xã hội. Điều đó đòi hỏi đại biểu phải thực sự có tâm, có tầm, có năng lực, trí tuệ và bản lĩnh, trách nhiệm để gánh vác sứ mệnh cử tri giao phó. Đặc biệt là chất vấn phải hiệu quả, tìm ra giải pháp đột phá chứ không phải chất vấn lấy được, "hỏi mà như không hỏi", hoặc hỏi kiểu vặn vẹo, dồn vấn đề vào ngõ cụt. Như đã nói, phiên chất vấn chính là dịp để cử tri "kiểm định" chất lượng lá phiếu của mình, xem xét xem ĐB Quốc hội mà mình lựa chọn có hoàn thành chức trách, nhiệm vụ hay không, có xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm hay không? Và việc nhiều bộ, ngành, lĩnh vực "nợ" lời hứa từ đầu nhiệm kỳ, thậm chí từ vài nhiệm kỳ trước, đến giờ vẫn chưa có giải pháp, ngoài câu hỏi về trách nhiệm của Chính phủ, người đứng đầu bộ, ngành đến đâu thì cử tri cũng đặt câu hỏi về việc ĐBQH đã thực sự làm tròn trách nhiệm, đã sử dụng hết quyền hạn của mình như quyền kiến nghị, chất vấn, đề nghị xử lý, bãi miễn... hay chưa?
Ở chiều ngược lại, các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành khi trả lời chất vấn tức là không phải trả lời với tư cách cá nhân trả lời một cá nhân, mà phải với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực mình quản lý để trả lời, giải trình trước cử tri cả nước. Như vậy, người trả lời chất vấn cũng phải thể hiện được chiều sâu trí tuệ, văn hóa ứng xử và nhất là trách nhiệm đối với dân, với nước.
Đa phần người trả lời chất vấn cũng chính là ĐB Quốc hội. Tại diễn đàn Quốc hội họ thể hiện nhiều tư cách, vừa là đại biểu gánh vác sứ mệnh của cử tri giao phó, vừa là người đứng đầu một bộ, ngành nào đó phải trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội, tức là trả lời những thắc mắc, bức xúc của cử tri về lĩnh vực mình quản lý. Như đã nói, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là hình thức giám sát của Quốc hội, với mục đích tìm ra giải pháp cho những vấn đề quốc kế dân sinh, vì vậy đòi hỏi sự nghiêm túc chứ không phải là nơi muốn nói gì thì nói, không thể là nơi để đùa, càng không được tùy tiện phát ngôn. Khi đã đứng ở vị trí, vai trò nào thì từ tư duy cho đến lời nói, hành động đều phải thể hiện xứng đáng với vị trí, vai trò đó. Cho dù ngày mai hết nhiệm kỳ thì hôm nay vẫn phải hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình; càng giữ trọng trách thì càng phải tận tâm, tận lực cống hiến và chịu trách nhiệm đến cùng, không thể đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho nhiệm kỳ sau, như thế mới xứng với trách nhiệm, vị trí mà mình đang gánh vác. Nhiều cử tri đánh giá việc có vị bộ trưởng trả lời "không còn thời gian", "nhường trách nhiệm cho nhiệm kỳ sau" là sự thể hiện "tư duy nhiệm kỳ", "tâm lý chợ chiều". Quả thực là ở giữa Quốc hội mà bộ trưởng phát biểu như vậy, dù là nói thật đi chăng nữa, cũng khiến cử tri thấy buồn lòng. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế khách quan rằng không phải chất vấn nào cũng được trả lời thỏa đáng, và không phải lời hứa nào cũng có thể thực hiện được ngay. Việc ĐB Quốc hội và cử tri mong muốn sớm có giải pháp thỏa đáng là cần thiết và dễ hiểu, nhưng giữa "nói" và "làm" luôn có một khoảng cách nhất định. Để vượt qua nó đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố như con người, chính sách, thời gian... song chí ít không thể thiếu tinh thần trách nhiệm. Đó là điều mà cử tri luôn mong muốn và tin tưởng ở những "tư lệnh ngành" cũng như các ĐB Quốc hội.
Mặc dù phiên chất vấn “khác thường” chưa mang lại kết quả như mong đợi, song cử tri hy vọng với tinh thần dân chủ, đổi mới và chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội, những sự khác thường mang tính tích cực sẽ ngày càng nhiều hơn và trở thành sự bình thường tích cực trong hoạt động chất vấn của Quốc hội để mang lại những giải pháp đột phá cho sự nghiệp phát triển đi lên của đất nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập của đất nước cũng như những nguyện vọng thiết thân của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.