Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những việc nhà nông cần làm trong tháng 4

Minh Phú| 08/04/2015 06:32

(HNM) - Tháng tư là thời điểm chuyển mùa từ xuân sang hạ, cây trồng và vật nuôi rất hay bị bệnh. Với lúa là bệnh rầy nâu, sâu đục thân, đạo ôn. Với vật nuôi là bệnh chướng hơi dạ cỏ ở trâu, bò, tụ huyết trùng ở vật nuôi, tiêu chảy, viêm phổi ở gia súc… Đây cũng là thời điểm thích hợp để ương nuôi một số loại thủy sản… Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khuyến cáo, trong tháng tư, bà con nông dân cần lưu ý các điểm sau:

1. Đối với cây trồng, bảo vệ thực vật

- Chăm sóc lúa, rau màu vụ xuân, chú ý kiểm tra phòng trừ sâu bệnh và chống hạn cho lúa, bảo đảm đủ nước tưới dưỡng, bón đón đòng cho lúa xuân. Chú ý phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt đề phòng các đối tượng thường gây hại nặng ở vụ xuân là rầy nâu, sâu đục thân và bệnh đạo ôn.

- Chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất vụ mùa như giống, vật tư phân bón, chuẩn bị ruộng gieo mạ mùa.

- Chiết ghép giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại quả, phun thuốc chống rụng quả cho nhãn, vải, bưởi, cam, quýt.

- Chăm sóc rau màu vụ hè: Thụ phấn bổ sung cho bầu, bí, mướp.

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của sâu bệnh hại và tổ chức phòng trừ kịp thời. Chú ý bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ hại lúa; sâu khoang, sâu đục quả, đục thân, bệnh gỉ sắt, bệnh sương mai hại đậu tương; bệnh đốm lá, bệnh héo xanh hại lạc; dòi đục lá, sâu xanh sọc trắng, bệnh phấn trắng, bọ trĩ, rệp muội hại cây họ bầu bí; sâu cắn lá, rệp cờ, khô vằn hại ngô; bọ xít, sâu đục cành, nhện lông nhung hại nhãn, vải; rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, nhện vàng hại cây ăn quả có múi; rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, bệnh đốm lá hại chè; bệnh đốm lá, sâu đục nụ hại cây hoa hồng, hoa cúc.

2. Đối với chăn nuôi thú y

- Chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn vật nuôi, tăng cường dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất nhằm nâng sức đề kháng của cơ thể vật nuôi. Có các biện pháp ổn định tiểu khí hậu môi trường chuồng nuôi, tránh stress ảnh hưởng tới sức khỏe vật nuôi trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa.

- Phòng ngừa các bệnh do thời tiết chuyển mùa như chướng hơi dạ cỏ ở trâu bò, bệnh tụ huyết trùng ở vật nuôi, tiêu chảy, viêm phổi ở gia súc…

- Kiểm tra đôn đốc việc tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo trước mùa hè, đặc biệt các địa phương có ổ dịch cũ. Tiếp tục tiêm phòng đại trà đợt 1 trong năm của các cơ sở chưa hoàn thành trong tháng 3. Sau khi kết thúc tiêm phòng đại trà vắc xin cúm gia cầm, tổng vệ sinh tiêu độc môi trường để hạn chế dịch bệnh phát sinh.

- Nuôi vỗ béo đàn trâu, bò thịt, gột vịt con nuôi thời vụ, tuyển chọn, bổ sung đàn gà sinh sản.

- Đây là thời điểm thích hợp trồng các loại cỏ làm thức ăn cho gia súc như Mulato, VA06, Ghine…

3. Đối với thủy sản

- Cho cá trắm cỏ, mè trắng, mè hoa đẻ chính vụ. Tiếp tục nuôi vỗ cá trôi giai đoạn 1. Chuẩn bị nhà sinh sản cho ba ba đẻ trứng. Cho cá rô phi đẻ, chuẩn bị ương cá. Ương nuôi tôm càng xanh giống. Nuôi vỗ cá trôi giai đoạn 2 vào cuối tháng.

- Phòng, trị bệnh cho động vật thủy sản khi thời tiết chuyển mùa: Vệ sinh môi trường, tăng cường dinh dưỡng cho cá nuôi, cho cá ăn thuốc phòng bệnh định kỳ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những việc nhà nông cần làm trong tháng 4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.