(HNM) - Trước thềm năm học mới 2017-2018, nhiều phụ huynh đã an tâm hơn với kết quả thực hiện mục tiêu giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường kỷ cương nền nếp, đạo đức cho học sinh... Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn không ít những băn khoăn, trăn trở...
Nâng cao chất lượng dạy và học, tăng cường kỷ cương nền nếp, đạo đức cho học sinh luôn là những vấn đề được các bậc phụ huynh hết sức quan tâm. Ảnh: Nhật Nam |
Anh Nguyễn Thanh Tùng (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân):
Tăng cường giáo dục kỹ năng
Theo thông tin của Sở GD-ĐT TP Hà Nội, từ năm học 2017- 2018 sẽ chính thức áp dụng mức học phí mới tại các cơ sở giáo dục công lập của thành phố. Tuy mức tăng không cao, chỉ từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng/tháng/học sinh nhưng vẫn tạo tâm lý lo lắng cho phụ huynh. Bởi ai cũng biết, chi phí theo quy định thường không nhiều, nhưng cộng thêm các khoản thu “tự nguyện” như quỹ lớp, quỹ trường, trang bị cơ sở vật chất, ngoại khóa, tiếng Anh… thì thành khoản tiền lớn. Xã hội hóa để tạo điều kiện học tập tốt là điều phụ huynh nào cũng mong muốn. Nhưng để tránh “lạm thu”, phụ huynh đề nghị các khoản thu tự nguyện phải đúng, công khai, minh bạch.
Chương trình học 2 buổi/ngày được nhiều phụ huynh đánh giá cao, nhưng còn không ít băn khoăn khi giáo viên vẫn giao nhiều bài tập về nhà cho học sinh. Vì thế thời gian dành cho vận động, thực hành kỹ năng sống của trẻ vẫn ít. Thời khóa biểu chính thức chỉ có tiết thể dục, các môn học khác như bóng đá, bóng rổ, múa… vẫn được xem là môn ngoại khóa, phải đăng ký học sau buổi học chính đã lấy thêm thời gian của trẻ. Tôi mong muốn, ngoài việc học các môn cơ bản, cần có thêm các môn học kỹ năng trong giờ học chính khóa để trẻ được phát triển toàn diện.
Chị Phạm Thị Bích Thủy (phường Thành Công, quận Ba Đình):
Dạy trẻ phẩm chất, đạo đức làm người
Năm học 2016-2017 đã thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, sửa đổi một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28-8-2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, được ghi nhận có nhiều tiến bộ trên tinh thần đánh giá học sinh theo từng mặt, vì sự tiến bộ của học sinh chứ không so sánh giữa các học sinh. Điều này đòi hỏi giáo viên thực sự quan tâm tới từng trẻ để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của học sinh. Tuy nhiên, việc không chấm điểm trong quá trình học vẫn khiến phụ huynh lo lắng, vì ý thức học của con em kém hơn so với trước kia. Trong khi lượng kiến thức phải học khá nhiều, bắt buộc phải theo đúng chương trình của Bộ GD-ĐT, chỉ cần trẻ lơ là, thiếu tập trung, kết quả cuối năm sẽ không đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh việc dạy văn hóa, yêu cầu giáo dục phẩm chất, đạo đức làm người cũng vô cùng quan trọng. Điều này không thể giao phó hoàn toàn cho nhà trường, cũng không thể chỉ riêng phụ huynh mà cần sự phối hợp của cả hai phía. Tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh cần bắt đầu từ việc nhỏ hằng ngày như yêu trường lớp, yêu thương người thân và bạn bè, dần dần giúp trẻ chuyển hóa thành sự đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập và cuộc sống.
Chị Vũ Phương Hà (phường Phú Lương, Hà Đông):
Căn cứ nào để xét tuyển học sinh vào trường "tốp trên"?
Trước đây, một số trường chuyên và các trường THCS "tốp trên" được phép tổ chức thi đầu vào để lựa chọn những học sinh ưu tú nhất, nhưng cách đây hai năm, Bộ GD-ĐT đã cấm nên các trường phải thực hiện phương pháp xét tuyển. Ngoài điểm môn chính, các con sẽ được cộng điểm từ kết quả các kỳ thi qua mạng internet do Bộ tổ chức. Quy định này dẫn đến tình trạng phụ huynh đổ xô đưa con đi ôn luyện, thậm chí phát sinh tiêu cực để bằng mọi cách con phải có giải. Việc Bộ GD-ĐT dừng các kỳ thi qua mạng internet là đúng với chủ trương của Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, nhằm cải cách, giảm tải chương trình học cho các con. Song vấn đề đặt ra là: Các trường "tốp trên" sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để tuyển sinh đầu vào? Nếu trước đây, việc phân loại, đánh giá học sinh căn cứ vào điểm số thì theo quy định hiện hành, giáo viên sẽ đánh giá, phân loại học sinh theo "định tính". Học sinh bậc tiểu học được phân loại theo tiêu chí học sinh giỏi toàn diện hoặc giỏi từng mặt. Do đó, nhiều phụ huynh lo ngại mỗi trường "tốp trên" sẽ tự đưa ra những tiêu chí, cách thức xét tuyển riêng, dễ tạo cơ chế xin - cho, phát sinh thêm tiêu cực. Mặt khác, Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT chỉ phù hợp khi áp dụng vào các lớp học tiêu chuẩn, tức sĩ số dưới 40 học sinh/lớp. Song với thực trạng bùng nổ dân số cơ học hiện nay, hầu hết các trường công lập đều có sĩ số từ 50 em đến 60 em/lớp. Bên cạnh đó, chương trình cải cách ở bậc tiểu học được thực hiện khá tốt nhưng ở bậc THCS lại chưa theo kịp, dẫn đến các con khi lên học THCS thường bị "đuối" khiến giáo viên rất vất vả.
Bà Vũ Thu Hương (giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt, quận Long Biên):
Cải cách giáo dục cũng cần bảo đảm tính ổn định
Cải cách giáo dục để đưa chất lượng giáo dục tiệm cận với xu hướng phát triển của xã hội là điều cần thiết, nhưng nên có lộ trình. Việc liên tục cải cách chương trình dạy và học, thay đổi sách giáo khoa... những năm qua không chỉ khiến học sinh, các bậc phụ huynh, mà ngay cả giáo viên cũng mệt mỏi. Ví dụ như môn tiếng Anh, cứ khoảng 1-2 năm lại thay đổi sách giáo khoa, cải cách chương trình. Giáo viên lại nháo nhào đi học, soạn lại giáo án, nghiên cứu cách dạy mới... Việc thay đổi chương trình khiến chính giáo viên cũng cần có thời gian để "làm quen", do đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp thu của học trò. Mặt khác, nếu trước kia, giáo viên có thể luyện thi cho học sinh cuối cấp bằng phương pháp dạy tự luận, dựa trên kinh nghiệm và cơ cấu đề thi hằng năm, thì khi chuyển sang thi tốt nghiệp bằng hình thức thi trắc nghiệm, ngân hàng đề thi lớn, kiến thức trải rộng khiến cả thầy và trò đều phải "bò" ra dạy và học, khó xác định được trọng tâm. Theo tôi, cải cách giáo dục rất cần có lộ trình, thực hiện thận trọng từng bước và bảo đảm tính ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.