(HNMCT) - Nếu muốn lý giải vì sao thể thao Hà Nội luôn đứng đầu cả nước thì có thể dẫn chuyện về những người thầy tận tâm ở tuyến trẻ. Họ âm thầm “mài ngọc” với mong muốn phát hiện tài năng lớn cho thể thao Hà Nội.
Tâm huyết, trách nhiệm
Có lần, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Đình Lân nói rằng, một trong những thế mạnh của thể thao Hà Nội chính là có những người thầy luôn âm thầm cống hiến hết mình ở các tuyến đào tạo trẻ. Chính họ đã làm nên "đường băng" để nhiều vận động viên (VĐV) "cất cánh", "bay cao".
Trong số nói trên có huấn luyện viên (HLV) Lê Văn Sức, người đã đào tạo, nâng bước, giúp nhiều đô vật nữ của Hà Nội lên vị trí hàng đầu Việt Nam, Đông Nam Á. Đến giờ, đã hơn 60 tuổi, ông vẫn miệt mài với công tác đào tạo trẻ.
Đầu năm 2021, HLV Lê Văn Sức về quê ở xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) để làm HLV lớp năng khiếu vật của xã. Trong giai đoạn hiện nay, để hướng các em đến với vật thì cần bỏ công sức, nghĩ vậy nên ông quyết định trở về quê làm HLV cho CLB Vật Trung Mầu, vốn là cơ sở đào tạo vệ tinh của bộ môn Vật (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội - gọi tắt là Trung tâm). Thế là đều đặn 3 ngày mỗi tuần, ông Sức đứng lớp cùng hơn 20 cậu bé đam mê vật. “Việc đào tạo trẻ, nhất là lớp trẻ tại địa phương, có sức cuốn hút mạnh mẽ”, ông Sức nói.
Cậu bé Phạm Bá Kiên (học sinh Trường THCS Trung Mầu) kể rằng, từ khi được thầy Sức huấn luyện, cậu càng mê môn vật hơn. Đến khi lớp tạm nghỉ vì dịch Covid-19, thầy Sức vẫn điện thoại động viên các học trò cố gắng tập luyện thể lực để có thể theo được các bài tập sau khi dịch lắng xuống.
Nhiều người nói rằng, nếu lứa Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Thành Chung, Đức Huy không tỏa sáng tại vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á năm 2018, có lẽ cơ sở đào tạo bóng đá thuộc Trung tâm (đặt tại huyện Gia Lâm, còn được biết đến với cái tên “Hoàng Anh Gia Lâm”) sẽ chẳng được mấy ai để ý. Đã vài năm sau giải đấu đó, điều kiện ăn ở của lứa cầu thủ trẻ tại đây (từ 10 - 15 tuổi) hiện đã được cải thiện nhiều nhờ sự chung tay từ phụ huynh, các “mạnh thường quân” và Trung tâm.
Tuy thế, công việc của những người thầy ở đây vẫn vậy. Hơn chục HLV của đội vẫn ngày ngày đi từ nội thành, có người còn từ Hoài Đức sang Gia Lâm để làm việc. Một tuần ít nhất 2 ngày, mỗi thầy ở lại qua đêm để trông học trò. Khi Hà Nội giãn cách xã hội trong đợt dịch thứ tư, nhiều thầy đã ở lại hàng tuần liền với học trò để bảo đảm phòng, chống dịch. Theo Phó Trưởng bộ môn Bóng đá (thuộc Trung tâm) Nguyễn Trọng Hồng, ở đây các HLV kiêm từ việc huấn luyện đến việc của bảo mẫu. Còn HLV Phan Tú Anh của đội U11 tâm sự: “Mình coi đó là một phần đương nhiên trong công việc đào tạo trẻ”.
Thực tế, ở Hà Nội còn nhiều bộ môn tuyển VĐV ở độ tuổi thiếu nhi như thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, nhảy cầu, bóng bàn... Ở đó, các HLV thường xuyên phải lo chuyện ăn, ngủ, tập luyện, học văn hóa của VĐV.
Mong có sản phẩm tốt
Dồn tâm sức đào tạo trẻ, các HLV chỉ mong có “sản phẩm” tốt. HLV Lê Văn Sức bảo rằng, khi trở về huấn luyện nhóm VĐV trẻ ở địa phương, ngoài việc góp phần giữ phong trào vật ở địa phương còn là mong mỏi cung cấp nhân tài cho đội Vật Hà Nội. Ông cũng ấp ủ kế hoạch tìm kiếm, tuyển những đô vật nhí trên địa bàn khác ở huyện Gia Lâm để mời về tập luyện tại CLB Vật Trung Mầu, qua đó tăng diện tuyển chọn tài năng cho đội Vật Hà Nội.
Trong khi đó, Phó Trưởng bộ môn Bóng đá (Trung tâm) Nguyễn Trọng Hồng chia sẻ, những người thầy làm việc tại đây là chấp nhận vất vả hơn nhiều nơi khác. Mức thu nhập của các thầy còn “khiêm tốn” so với đồng nghiệp tại những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của doanh nghiệp. Nhưng tình yêu với nghề đào tạo trẻ, với bóng đá Hà Nội đã giữ họ ở lại để đào tạo những lớp cầu thủ trẻ tài năng cho bóng đá Hà Nội. “Năng khiếu là quan trọng, nhưng quá trình rèn luyện, nuôi dưỡng ý chí của cầu thủ mới là yếu tố quyết định. Và để làm được điều đó thì cần đến tâm huyết, trách nhiệm của những người thầy”, ông Nguyễn Trọng Hồng khẳng định.
Tâm sự ấy cũng có ở HLV đội trẻ Thể dục nhào lộn trên lưới (Trung tâm) Kiều Xuân Đô, người đã dành hàng chục năm để chăm lo cho các VĐV nhí. Ông bảo rằng, cứ dành tâm huyết cho công việc thì sẽ cho ra “quả ngọt”. Đặc biệt, ở môn thể dục dụng cụ, các gia đình gửi con vào đội lúc chúng mới 6 - 8 tuổi nên các HLV càng phải có trách nhiệm để không phụ sự tin tưởng của gia đình, và giúp thể dục dụng cụ Hà Nội có những lứa VĐV đủ tốt cả ở khía cạnh chuyên môn cũng như đạo đức.
Bao nhiêu năm qua vẫn vậy, thể thao Hà Nội vẫn giữ được vị thế hàng đầu cả nước. “Để có được điều đó, không thể không kể đến những người thầy tâm huyết, trách nhiệm trong việc đào tạo trẻ. Đó là niềm tự hào của thể thao Hà Nội mà thế hệ chúng tôi luôn trân trọng, phát huy”, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.