Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cây cầu "già" chờ... "cứu"

Tuấn Lương| 19/11/2017 07:59

(HNM) - Có tới vài chục cây cầu

Cầu Trí Thủy (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) nhỏ hẹp và xuống cấp. Ảnh: Tuấn khải



Phận cầu ..."lão hóa"

Cầu Chiếc nằm trên đường liên tỉnh 427 (xã Hiền Giang, huyện Thường Tín) nối từ quốc lộ 21 ra quốc lộ 1 (cũ) được xây dựng cách đây hơn 40 năm, đến nay dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn luôn trong tình trạng quá tải và ùn tắc. Mặt cầu là các tấm sắt chắp vá, mỗi khi xe tải đi qua, cầu lại rung lên bần bật.

Đại diện Công ty cổ phần Quản lý xây dựng đường bộ 1 Hà Tây cho biết, năm 1996 cầu Chiếc được cải tạo, đến năm 2009 bị liệt vào danh sách 1/34 cầu yếu của thành phố. Cơ quan chức năng đã nhiều lần phải gia cường, nhưng do nằm trên đường độc đạo, kết nối hai tuyến quốc lộ khiến cầu càng bị quá tải. Cũng vì nhiều xe quá khổ, quá tải hoạt động nên Sở GT-VT Hà Nội đã cắm biển hạn chế tải trọng nhằm bảo đảm an toàn. Cuối tháng 4-2017, khi mở tuyến buýt số 94 (Giáp Bát - Kim Bài), Sở GT-VT đã phải đặt biển hạn chế, chỉ cho xe tải trọng dưới 10 tấn và chiều cao dưới 2,1m lưu hành. Vì thế, các nhân viên tuyến buýt số 94 phải làm một việc bất đắc dĩ. Ấy là mỗi khi xe buýt qua cầu, phụ xe (được trang bị chìa khóa), phải xuống xe tự mở barie hạn chế chiều cao...

Trên sông Bùi thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ cũng đang tồn tại hàng chục cây cầu trong cảnh "lão hóa". Cầu Trí Thủy ở xã Thủy Xuân Tiên chỉ rộng chừng 3m, vừa đủ lọt một xe ô tô loại 7 chỗ. Chứng kiến cảnh học sinh tan trường mà thấy lòng ngao ngán. Chỉ gần chục chiếc xe đạp và hai chiếc xe máy qua cầu mà thành... tắc, chưa kể, mặt cầu còn rung bần bật. Ông Trần Tuấn Minh, cán bộ Phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ cho hay, cầu xây dựng năm 1987, là điểm nối từ đường Hồ Chí Minh sang quốc lộ 6 nhưng lại nhỏ và yếu, gây không ít khó khăn cho các hoạt động của địa phương.

Cách đó chừng vài cây số là cầu Đầm Mơ, nối xã Quảng Bị với xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ) đang được Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội và các nhà thầu khẩn trương thi công.

Ông Trịnh Đình Chung, người dân xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) kể, trước đây khi chưa làm cầu, bà con sử dụng đò kéo tay. Học sinh đi học, người lớn đi làm, đi chợ đều phải trông vào cái bến đò tạm. Mỗi khi có mưa lũ, đò phải ngừng hoạt động. Khi ấy, người dân phải đi theo đường vòng, xa thêm hàng chục cây số. Đi lại khó khăn càng khiến giao thương hạn chế, kinh tế - xã hội và đời sống người dân gặp nhiều bất lợi. Nay được thành phố quan tâm xây cầu, người dân mừng lắm!

Trong khi niềm vui của người dân các xã Quảng Bị, Hồng Phong đang thành hiện thực bởi cây cầu mới dần rõ hình hài, thì tại xã Thanh Bình gần đó, chiếc đò kéo dây vẫn kẽo kẹt mỗi ngày. Vắt tầm nhìn hun hút sang bên kia sông, thấy con đò lênh đênh cõng vài vị khách sắp cập bờ... trong không gian lặng mà buồn! Khung cảnh này lại gợi về cảm giác, mỗi khi qua các vùng ngoại thành của Hà Nội, gặp những chiếc đò kéo tay, những chiếc cầu rung bần bật như muốn sập, chợt nhớ về mấy câu thơ của nhà thơ Phạm Hổ: "Mưa ơi đừng rơi nữa/Mẹ vẫn chưa về đâu/Chợ làng đường xa lắm/Qua sông chẳng có cầu/Mưa vẫn rơi vẫn rơi/Ào ào trên mái rạ/Con sông vào mùa hạ/Nước dâng đầy khó đi...".

Những cây cầu kết nối

Ngay từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cấp bách cải tạo, xây dựng lại 34 cầu yếu trên địa bàn Thủ đô. Từ chỉ đạo này, các sở, ngành, đơn vị chức năng tập trung triển khai và đến nay đã có 16 dự án hoàn thành, 3 dự án khác đang thi công, 7 dự án dự kiến sẽ triển khai trong quý I-2018 và 8 chiếc còn lại sẽ triển khai trong giai đoạn 2019-2020. Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Kế hoạch (Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội) trăn trở: "Chỗ chúng ta đang đứng đây, ngay tại chân cầu Đầm Mơ này, các anh cũng nhìn thấy sự heo hút, nhưng khi cầu hoàn thành sẽ nối thông trung tâm hai xã. Có cầu, có đường, chắc chắn sẽ đổi thay cả một vùng, đời sống dân sinh sẽ có nhiều đổi mới. Chương trình cải tạo cầu yếu của thành phố thời gian qua đã phát huy hiệu quả rất cao. Thế nhưng, vẫn còn nhiều cây cầu già, yếu khác chưa có điều kiện được cải tạo, xây dựng lại".

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, vừa qua, Ban đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá và đề xuất thành phố bổ sung 30 dự án cải tạo cầu yếu vào danh mục đầu tư giai đoạn 2016-2020 bằng nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, nguồn ngân sách hạn chế nên phải chia lộ trình thực hiện. Ngay khi được phê duyệt, Ban sẽ cùng các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tập trung triển khai ngay.

Hiệu quả từ các dự án ai cũng có thể thấy rõ, nhưng không phải cây cầu nào cũng thi công "xuôi chèo, mát mái". Trong số 16/34 cầu đã hoàn thành, có cầu rơi vào cảnh thiếu vốn khi đã gần xong, như cầu Yên Trình (huyện Chương Mỹ). Nhưng cầu Yên Trình còn "nhìn thấy" có ngày khánh thành và đưa vào khai thác. Trong khi "số phận" cầu Hòa Viên bắc qua sông Đáy nối xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) với xã Viên An (huyện Ứng Hòa) long đong hơn rất nhiều. Từ năm 2009, bắt đầu khảo sát khi đó đang là cầu phao được làm bằng mấy chiếc thùng phuy, trên ván gỗ mặt cầu lòi cả đinh sắt đã gỉ hoét, lúc nào cũng như muốn hất người xuống sông.... Ngày khởi công cầu mới thay cầu phao, người dân rất hoan hỉ khi tưởng rằng sắp có cầu mới. Ấy vậy mà đến nay, cầu Hòa Viên vẫn dang dở bởi vướng mắc giải phóng mặt bằng. Bao giờ cầu Hòa Viên mới nối thông hai bờ vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Cầu yếu sẽ ngày càng thêm yếu, nguy cơ mất an toàn giao thông, sập đổ mỗi mùa bão lũ sẽ ngày càng thêm lớn. Để thay thế những cây cầu già, yếu, xóa nỗi cách trở đò giang, ngoài việc bố trí nguồn vốn kịp thời từ ngân sách thành phố, còn cần lắm sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân địa phương. Để rồi, trong tương lai không xa, những cây cầu mới sẽ bổ sung thêm sức mạnh nội lực cho mỗi miền quê...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cây cầu "già" chờ... "cứu"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.