Cầu Vàm Sát 2 chính thức được khánh thành góp phần tăng kết nối giao thông tại huyện xa nhất của thành phố Hồ Chí Minh.
Sáng 15-9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông, chủ đầu tư)) và UBND huyện Cần Giờ tổ chức khánh thành cầu Vàm Sát 2 sau nhiều năm thi công.
Cầu Vàm Sát 2 nằm song song cầu cũ, có tổng chiều dài hơn 1km, trong đó, phần cầu dài 434m, rộng 10m. Tổng mức đầu tư hơn 340 tỷ đồng.
Cầu Vàm Sát 2 hoàn thành góp phần tăng kết nối giao thông từ xã Lý Nhơn qua đường Rừng Sác để vào trung tâm huyện Cần Giờ cũng như nội đô thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, công trình giúp người dân dễ dàng di chuyển, thúc đẩy giao thương, phát triển du lịch khi thuận tiện đến phà Cần Giờ - Cần Giuộc qua tỉnh Long An.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng, cầu Vàm Sát 1 sau hơn 10 năm khai thác, hiện tải trọng không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ở khu vực. Vì thế, cầu Vàm Sát 2 hoàn thành có ý nghĩa lớn với địa phương.
“Cầu Vàm Sát 2 được thông xe đã từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông huyện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giúp bà con vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian so với trước”, ông Nguyễn Văn Hồng nói.
Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển. Địa phương này có tổng diện tích hơn 71.000ha, trong đó trên 70% là rừng ngập mặn, sông rạch.
Hệ thống hạ tầng giao thông huyện Cần Giờ đang rất hạn chế, nhất là ra vào khu nội thành khi chỉ có tuyến chính là phà Bình Khánh đang thường xuyên quá tải.
Ngoài cầu Vàm Sát 2, mới đây, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác cầu Long Kiểng, tổng vốn gần 600 tỷ đồng sau 22 năm được duyệt, 5 năm thi công. Một loạt dự án khác bị chậm trễ kéo dài do vướng mặt bằng cũng đang được tập trung triển khai trở lại như cầu Nam Lý, Tăng Long, mở rộng đường Lương Định Của (thành phố Thủ Đức); cầu Bà Hom, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân)...
Khởi công từ năm 2018, cầu Vàm Sát 2 dự kiến hoàn thành sau 1 năm, giúp thay cầu cũ đã quá tải, xuống cấp, mất an toàn. Thế nhưng, từ cuối năm 2019, công trình phải dừng do vướng giải phóng mặt bằng. Sau gần 3 năm, tháng 10-2022, huyện Cần Giờ hoàn tất đền bù, giao toàn bộ diện tích mặt bằng xây cầu giúp việc thi công được đẩy nhanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.