Đời sống

Không gian sáng tạo bên cây cầu trăm tuổi

Bài và ảnh: Mỹ An 02/01/2024 - 06:20

Nhiều năm nay, các không gian công cộng, đặc biệt là sân chơi cho trẻ em bằng vật liệu tái chế đã trở nên quen thuộc ở cả khu vực nội đô lẫn ngoại thành Hà Nội.

Đặc biệt, các sân chơi này đã cho thấy tính hữu ích khi được thiết kế tận dụng diện tích đất xen kẹt hoặc những khu đất từng là bãi rác, như trường hợp Công viên rừng Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).

Mô hình sân chơi kiểu mẫu này hứa hẹn nhân rộng những không gian công cộng mang tính nhân văn, kết nối con người với thiên nhiên, kết nối các nhóm yếu thế với cộng đồng nhiều hơn nữa trong tương lai.

638391994620710175-san-choi.jpg
Sân chơi Công viên rừng Phúc Tân.

Từ bãi rác đến sân chơi thú vị

Những người thường đi qua cây cầu Long Biên đã quen thuộc với khoảng xanh của vùng bãi bồi trồng rau màu bên bờ vở sông Hồng, một ngày bỗng giật mình khi thấy ngay dưới chân cầu, khoảng xanh ấy được thay bằng một sân chơi rộng rãi với đầy đủ thiết bị vui chơi, thể thao dành cho người lớn và trẻ em. Đó là sân chơi Công viên rừng (CVR) Phúc Tân nằm trên địa bàn tổ 1 (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm).

Thật khó tưởng tượng được rằng, chỉ cách đây gần hai tháng, nơi này còn là bãi rác lớn, nơi tập kết phế thải của khu dân cư trong nhiều năm. Không khí ô nhiễm, mùi xú uế nồng nặc đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Vì thế, rất nhiều người không thể tin có một ngày bãi rác ấy bỗng trở thành sân chơi hiện đại, sạch sẽ. Để có không gian sạch làm sân chơi, gần 200 người dân và các thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh phường Phúc Tân cùng các tình nguyện viên đã chung tay dọn dẹp rác thải, trồng cây, kiến tạo khu vườn cộng đồng trong vòng 1 tháng.

Tự hào nói về sự đồng lòng của các bên, ông Nguyễn Ngọc Luân, Tổ trưởng tổ dân phố số 1 (phường Phúc Tân) cho biết: “Trước kia, nơi đây là một bãi rác khổng lồ, còn phía ngoài sông là khu đất người dân lấn chiếm trồng rau màu để có thêm thu nhập. Khi quận Hoàn Kiếm và phường Phúc Tân chủ trương xóa bãi rác để xây sân chơi, chúng tôi đã cùng các đoàn thể vận động người dân nhường đất để có một không gian xanh, sạch, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn bộ khu vực này. Nhờ vậy, người dân đã nhanh chóng đồng ý và cùng tham gia dọn rác để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thiết kế triển khai thực hiện”.

Dự án "Sân chơi CVR Phúc Tân" được hình thành từ sáng kiến biến bãi rác thành sân chơi do doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Hoàn Kiếm, UBND phường Phúc Tân và cộng đồng địa phương thực hiện, với sự hỗ trợ tài chính từ Chiến dịch HiGreen - Bình minh xanh của Ngân hàng Quân đội (MB Bank). Dự án được triển khai trong năm 2023 nhằm biến những khu vực ô nhiễm trở thành không gian giao lưu cộng đồng. Công trình gồm các hạng mục cải tạo như dọn dẹp rác thải xây dựng và rác sinh hoạt tồn đọng, cải tạo cống nước thải; xây dựng đường dạo, đường tiếp cận dành cho tất cả mọi người; trồng cây bóng mát, cây bụi bản địa phục hồi đa dạng sinh thái ven sông theo nguyên lý vườn rừng và tăng cường không gian phục hồi sức khỏe tinh thần; lắp đặt các thiết bị thể dục và hệ thống đèn năng lượng mặt trời; xây dựng đường tiếp cận xe lăn cho người khuyết tật vận động theo tiêu chuẩn quốc tế...

Sau 1 năm lên kế hoạch, khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng, họp bàn với cộng đồng..., dự án từ trên giấy đã “bước ra” hiện thực. Trên diện tích 1.000m2, sân chơi bao gồm các hạng mục như khu xích đu, sân bóng rổ, bãi cát, vườn hoa, đường tiếp cận xe lăn... Tâm điểm của không gian này là thiết kế bằng gỗ mang hình dáng của một con rồng lớn vươn mình bay lên, được gọi là “hệ chơi hình rồng”. Hệ chơi hình rồng có chiều dài 22m, được làm từ 3,5m3 gỗ keo lấy từ các khu rừng trồng. Các bộ phận khác cũng được làm từ nhựa và thủy tinh tái chế nên rất thân thiện với môi trường. Đây là thiết kế chủ đạo của sân chơi, vừa là nơi để trẻ em chơi các trò vận động như leo trèo, cầu trượt, trốn tìm, đuổi bắt; đồng thời giúp các em thêm hiểu và trân trọng lịch sử - văn hóa, bồi đắp tình yêu với nơi mình sinh sống.

Hình tượng rồng này được đặt trong vị trí “đối thoại” với cây cầu Long Biên, cái tên vốn mang ý nghĩa là nơi con rồng giao thoa với đất trời. Rồng là một linh vật gắn liền với văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời cũng là biểu tượng của khu vực châu Á và năm 2024. “Đây là sân chơi đầu tiên dành cho trẻ em có thiết kế hình rồng, nó sẽ là biểu tượng của khu vực này, đồng thời khơi dậy niềm tự hào cho người dân nơi đây” - ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập - Giám đốc truyền thông Think Playgrounds chia sẻ về ý nghĩa của sân chơi CVR Phúc Tân.

638391994627574835-san-choi.jpg
Trẻ em vui chơi tại Công viên rừng Phúc Tân.

Giá trị nhân văn là nền tảng cốt lõi

Sân chơi CVR Phúc Tân là 1 trong 200 sân chơi được Think Playgrounds thiết kế nhằm giải quyết bài toán về đô thị trên toàn quốc trong nhiều năm qua. Sân chơi này chú trọng đến tính nhân văn - giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp xã hội này luôn hướng tới.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt nói: “Lâu nay, nhiều công viên, sân chơi công - tư dường như không chú trọng đến việc tiếp cận của nhóm yếu thế như người khuyết tật, người già, trẻ em... Nhiều nơi không có lối đi dành riêng cho người đi xe lăn, khiến họ gặp không ít khó khăn khi đến các không gian công cộng. Sân chơi Phúc Tân được trang bị đầy đủ các hạng mục sẽ là hình mẫu cho các sân chơi tiếp theo. Các sân chơi, công trình công cộng hoặc công trình tư nhân cũng nên có những cơ sở vật chất thân thiện với người khuyết tật. Đấy chính là tính nhân văn - giá trị cốt lõi cần có ở một thành phố như Hà Nội”.

Tính nhân văn là thông điệp xuyên suốt ở sân chơi CVR Phúc Tân. Lấy con người làm trung tâm, công trình này cũng hướng tới bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống của người dân. Đó là chỉ sử dụng vật liệu tự nhiên thân thiện như gỗ rừng trồng, cát hay các loại vật liệu tái chế không làm ảnh hưởng hay gây hại tới môi trường.

Song song với đó là thiết kế vườn đô thị theo hướng thuận tự nhiên, trồng và hỗ trợ tái sinh các loài cây bản địa để tạo sinh cảnh phù hợp với các loài sinh vật bản địa. Nhờ đó, hệ sinh thái được phục hồi, góp phần tăng tính đa dạng sinh học của khu vực. Minh chứng cho việc này là không chỉ nhiều loài chim di cư từ nơi khác đến mà loài chim bản địa Mai Hoa chỉ có ở vùng bờ vở sông Hồng đã được phát hiện và bảo vệ.

Sau giai đoạn 1 của dự án "Sân chơi CVR Phúc Tân", UBND phường Phúc Tân và quận Hoàn Kiếm đã có kế hoạch mở rộng thêm khoảng 6.000m2 trong thời gian tới nhằm cải tạo không gian sinh thái dọc bờ vở sông Hồng.

Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân Nguyễn Thành Công cho biết, không gian sân chơi CVR Phúc Tân sẽ sớm được mở rộng đến phần tiếp giáp với địa bàn phường Chương Dương nhằm hoàn thiện không gian tổng thể của CVR bờ vở sông Hồng, vừa góp phần chống tái lấn chiếm vừa tạo thêm điểm vui chơi, không gian công cộng cho người dân, đồng thời có thể khai thác các hoạt động văn hóa, du lịch tại khu vực vốn bị coi là "phần sau lưng” thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không gian sáng tạo bên cây cầu trăm tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.