Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cái giá đắt đỏ

Vân Khanh| 08/03/2014 06:45

(HNM) - Những tình tiết thay đổi nhanh chóng đã biến Ukraine thành một trong những câu chuyện kịch tính nhất trong lịch sử Châu Âu hiện đại. So với đỉnh điểm căng thẳng khiến cả thế giới lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự, thì vài ngày gần đây, tình hình tại Ukraine đã có chiều hướng lạc quan hơn.


Những hoạt động ngoại giao con thoi dồn dập đã hé mở một lối thoát chính trị cho cuộc khủng hoảng mang đậm dấu ấn ý thức hệ Đông - Tây. Thế nhưng, khi các cuộc gặp gỡ trên bàn đối thoại đang nỗ lực kéo ngược cỗ chiến xa đầy năng lượng ra xa bờ vực chiến sự, thì trên thị trường tài chính toàn cầu, giới đầu tư vẫn hoang mang với những thời khắc kinh hoàng chưa hoàn toàn lùi xa.

Chứng khoán thế giới bắt đầu hồi phục khi tình hình Ukraine có tín hiệu lạc quan.



"Tình hình rõ ràng đang hỗn loạn. Cả thế giới đều bán ra. Họ cứ bán trước đã, rồi mới hỏi chuyện gì đang xảy ra", bình luận của một chuyên gia kinh tế Nga đã phần nào khắc họa quang cảnh những ngày "đỏ lửa" của các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu. Thực tế này củng cố nhận định mà tất cả các nhà chính trị Ukraine, Nga, Châu Âu và Mỹ đều biết rõ như lòng bàn tay rằng, một khi cuộc tranh giành vùng đất nối liền nước Nga và phần còn lại của Châu Âu được phân định thắng thua bằng vũ khí thì không chỉ có người Ukraine là nạn nhân. Một cơn "hôn mê" nữa có thể sẽ lại đến khi mà nền kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi tỉnh sau "giấc ngủ dài", kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Và tất nhiên, tổn thất sẽ chia cho tất cả các bên lẫn những thực thể vô can trên khắp hành tinh. Những con số biết nói đã khẳng định sự thật này. Ngay sau khi các nhà đầu tư toàn cầu "đánh hơi" được nguy cơ bất ổn tại Ukraine, chỉ số MSCI All-Country World Index giảm 1,3%, Europe Stoxx 600 mất 2,3%, mức giảm sâu nhất trong 5 tuần. Cả ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều quay đầu giảm điểm, với S&P 500 và Nasdaq mất 0,7%, còn Dow Jones "bay hơi" 1%, trong khi cổ phiếu Châu Á cũng bị "liên lụy" với sự suy giảm tương ứng là 1,5% và 1,3% cho Hang Seng (Hong Kong) và Nikkei 225 (Nhật Bản). Tuy nhiên, mất mát lớn nhất lại thuộc về thị trường chứng khoán Nga, khi giảm một mạch 10,8% và lao thẳng xuống đáy của 5 năm để 58,4 tỷ USD "hóa thành tro bụi" trong một ngày. Cũng chỉ trong vòng 24 giờ, tất cả các tỷ phú Nga và Ukraine phải cùng ngậm ngùi tiễn 12,8 tỷ USD đã ra đi. Cùng chung số phận, tài sản của 300 người giàu nhất thế giới bỗng dưng "bay mất" 44,4 tỷ USD do giá cổ phiếu lao dốc mạnh nhất trong vòng một tháng. Sau những giờ phút "bạc tóc", hiện các nhà đầu tư đã bắt đầu bình tâm trở lại giúp thị trường chứng khoán toàn cầu dừng đà lao dốc, đưa sắc xanh lác đác xuất hiện trên các bảng giao dịch.

Trái ngược với cuộc tháo chạy đồng loạt khỏi thị trường mang nhiều rủi ro như cổ phiếu, trái phiếu, giá vàng đã được hưởng lợi do vẫn được xem như một kênh đầu tư an toàn mỗi khi "có biến". Các hợp đồng vàng giao tháng 4 tăng 28,7 USD lên 1.354 USD/ounce trong ngày 3-3 trước khi kỷ lục của 4 tháng giảm nhẹ xuống ngưỡng 1.348 USD/ounce trong chiều 7-3. Các thị trường hàng hóa khác từ dầu mỏ đến lúa mì cũng được "một phen" tăng giá dữ dội. Cũng vào thời điểm đó, dầu thô nhảy lên đỉnh của 5 tháng rưỡi với việc có thêm 2% giá trị - lên 104,92 USD/thùng. Đến ngày 7-3, chiều hướng lắng dịu ở Crimea đã giúp giảm giá dầu xuống mức 101,8 USD/thùng, nhưng vẫn là mức khá cao khi thị trường chăm chú dõi theo bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Nga sang Châu Âu. Mối lo sợ chiến tranh tại một trong những "nhà sản xuất" chủ lực của thế giới cũng đã đẩy giá lúa mì tăng xấp xỉ 5%, lên 6,315 USD/bushel và ngô tăng 1,5%, lên 4,75 USD/bushel trong ngày 3-3 "định mệnh".

Bức tranh toàn cảnh các thị trường thế giới đã cho thấy những tác động khôn lường của các chuyển động chính trị đối với nền kinh tế toàn cầu. Cho đến nay, tiến trình gỡ nút thắt đang giằng xé cả Nga và phương Tây đang chập chững bước đi đầu tiên. Không ai mong điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra bởi cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt đỏ. Ngay tại tâm điểm của "vùng nóng", Ukraine đang vật lộn với những biện pháp ngăn người dân rút tiền khỏi ngân hàng giữa lúc đồng hryvnia đã mất hơn một nửa giá trị trong vòng hơn 8 tháng. Với Nga, dù đã nắm nhiều lá bài chủ chốt để có được ưu thế trong cuộc chơi với phương Tây, sự mất giá thê thảm của đồng rouble khi xuống mức thấp nhất mọi thời đại vì mất đi tới 6% giá trị đã đặt ra bài toán không dễ dàng. Quyết định tăng lãi suất tiền gửi đồng nội tệ từ 5,5% lên 7% vẫn chưa chấm dứt được làn sóng bán tháo đồng rouble của các nhà đầu tư trước rủi ro chiến tranh. Sự đóng băng trong quan hệ thương mại giữa Nga và Mỹ trong trường hợp Nga tiến thêm một bước trong vấn đề Ukraine như cảnh báo của Washington cũng sẽ khiến cả thế giới vạ lây. Do vậy, những tác động từ ván cờ Ukraine chắc chắn sẽ là một lý do quan trọng để các bên nhận thấy rằng việc kiếm tìm một sự thỏa hiệp qua con đường ngoại giao sẽ mang lại lợi ích cho tất cả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những cái giá đắt đỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.