Nga cho biết sẽ trả đũa Ukraine vì cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS gần đây vào sân bay Taganrog của nước này.
Theo hãng thông tấn TASS ngày 12-12, phát biểu với giới báo chí, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ trả đũa Ukraine vì cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS gần đây vào sân bay Taganrog của nước này.
"Tôi muốn nhắc lại tuyên bố mà Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra một cách dứt khoát ngày hôm qua rằng, Mátxcơva sẽ có phản ứng", ông Dmitry Peskov nói, phản ứng sẽ đến khi nào và theo cách nào mà Nga cho là phù hợp, nhưng chắc chắn sẽ có.
Bộ Quốc phòng Nga thông tin, Kiev đã phát động một cuộc tấn công vào sân bay Taganrog ở vùng Rostov, miền Nam nước Nga vào sáng ngày 11-12. Một cuộc điều tra cho thấy, 6 tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất đã được sử dụng trong cuộc tấn công. Mặc dù không có thiệt hại nào được báo cáo sau vụ tấn công, nhưng một số nhân viên sân bay đã bị thương.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến thăm Warsaw vào ngày 12-12 (giờ địa phương) để trao đổi với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk về cuộc gặp của ông với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tuần trước và thảo luận về sự hỗ trợ của châu Âu dành cho Ukraine, cũng như các biện pháp chấm dứt cuộc xung đột với Nga.
Các nước châu Âu, như Pháp và Ba Lan, dự kiến sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc giúp Kiev chống lại cuộc xung đột với Nga khi ông Trump tỏ ý định giảm sự hỗ trợ và đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến.
Theo truyền thông quốc tế, các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Ba Lan và Pháp sẽ tập trung vào biện pháp tăng cường an ninh cho Ukraine trong ngắn hạn và dài hạn, bao gồm cả phương án triển khai quân đến Ukraine khi Mátxcơva và Kiev đạt được lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Pháp đã đi đầu trong ý tưởng gửi quân đến Ukraine kể từ tháng 2. Gần đây, ông Macron được cho là đã thảo luận với Thủ tướng Anh Keir Starmer về việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình trên bộ vào tháng 11.
Tuy nhiên, ông Szymon Holownia, Chủ tịch Hạ viện Ba Lan phát biểu với giới truyền thông rằng, Ba Lan sẽ chỉ tham gia vào nhiệm vụ như vậy trong khuôn khổ của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Khả năng chấm dứt chiến tranh bằng biện pháp ngoại giao đang ngày càng được thảo luận nhiều ở Ukraine và phương Tây. Thủ tướng Ba Lan Tusk, người sẽ tiếp quản chức Chủ tịch Hội đồng EU vào tháng 1 năm sau, cho biết các cuộc đàm phán hòa bình có thể bắt đầu sớm nhất vào mùa đông năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.