Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bước đi vững chắc

Thu Hoài| 01/03/2023 07:18

(HNM) - Vượt qua nhiều khó khăn, thời gian qua, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chuyên môn. Đây là những kết quả đáng mừng, tạo bước đi vững chắc trên lộ trình đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Mới đây, một nhóm các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Triều An (thành phố Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu thành công phương pháp mới điều trị hội chứng đại tiện tắc nghẽn (ODS) hay còn gọi là sa trực tràng kiểu túi. Đây là tình trạng bệnh lý rất phổ biến, gặp ở 15-20% phụ nữ trưởng thành. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của bệnh nhân.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Vinh, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, phương pháp điều trị trước đây tiến hành phức tạp, hồi phục lâu, chi phí lớn (khoảng 40 triệu đồng). Sau quá trình nỗ lực, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phương pháp phẫu thuật khâu treo theo 2 bước. Kết quả là đã tạo ra phương pháp điều trị ODS mới biến chứng thấp, đơn giản, hiệu quả cao.

“Chúng tôi đã tiến hành phương pháp phẫu thuật mới với 54 nữ bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh sau 6 tháng phẫu thuật là 88,9%; sau 12 tháng phẫu thuật là 86,95%; sau 18 tháng phẫu thuật là 85%. Khoảng 90% bệnh nhân hài lòng về kết quả điều trị theo phương pháp mới”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Vinh thông tin.

Còn tại Bệnh viện Bình Dân (thành phố Hồ Chí Minh), tính đến tháng 2-2023 là tròn 28 năm, các thế hệ y, bác sĩ của bệnh viện nối tiếp nhau học hỏi, tiếp thu, làm chủ và nay chuyển giao công nghệ phẫu thuật tạo hình bàng quang từ ruột với công nghệ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới cho các bệnh viện trên cả nước.

Theo y văn thế giới, ung thư bàng quang là một trong 10 ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Đến giai đoạn ung thư xâm lấn cơ, bệnh nhân phải cắt bàng quang. Người bệnh sẽ phải mang theo túi chứa nước tiểu bên ngoài cơ thể suốt quãng đời còn lại, rất bất tiện. Năm 1995, Bệnh viện Bình Dân chính thức triển khai phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột, đặt nằm trong cơ thể, thay thế hoàn hảo mọi chức năng của bàng quang. PGS.TS, bác sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Bình Dân cho biết, đây là phẫu thuật khó thuộc hàng đỉnh cao của chuyên ngành Tiết niệu. Tuy nhiên, bệnh viện đã phẫu thuật thành công trên 1.500 trường hợp.

“Chúng tôi đã thiết lập hơn 20 đội phẫu thuật áp dụng nhuần nhuyễn kỹ thuật mới này với phẫu thuật nội soi và phẫu thuật robot ngang tầm các nước tiên tiến để vừa điều trị cho bệnh nhân, vừa chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện trên cả nước”, PGS.TS, bác sĩ Trần Vĩnh Hưng thông tin.

Đặc biệt, trong những ngày đầu năm 2023, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) đã thực hiện hàng loạt các kỹ thuật cấp cứu chuyên sâu, cứu sống bệnh nhi 13 tuổi bị viêm cơ tim tối cấp (cấp cao nhất). Cụ thể, bé gái N.Q.B ở tỉnh Kiên Giang nhập viện đầu tháng 1-2023 trong tình trạng tím tái, rối loại nhịp thất, tim co bóp yếu rồi ngưng tim ngay sau nhập viện. Kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, các bác sĩ nhanh chóng hồi sức và đặt máy tạo nhịp tim tạm thời; thực hiện kỹ thuật ECMO (tim, phổi nhân tạo) cho bệnh nhân.

12 ngày sau đó, bệnh nhi được áp dụng nhiều phương pháp điều trị tiên tiến, sức khỏe hồi phục rõ rệt. Ngày 6-2 vừa qua, bệnh nhân đã cai ECMO. Ngày 15-2, bệnh nhân đã tỉnh táo, da hồng hào, ăn uống tốt và dự kiến sẽ ra viện đầu tháng 3-2023.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu hơn nữa trong lĩnh vực chuyên khoa Nhi, góp phần xây dựng hệ thống y tế thành phố Hồ Chí Minh trở thành một trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bước đi vững chắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.