(HNM) - Ở nơi quanh năm chỉ có bóng mặt trời, bốn phía mênh mông nước biển, nhưng lại thiếu từ giọt nước ngọt đến cọng rau xanh... thì những chuyến tàu chở hàng từ đất liền ra đảo đối với CBCS bộ đội Trường Sa quý giá đến nhường nào. Song ''món quà'' có ý nghĩa nhất được anh em hằng mong ngóng lại chính là tình cảm của đất liền, mà ''trên cả tuyệt vời'' là bóng dáng những người mẹ, người chị, người em gái ở hậu phương...
Văn công ra đảo
Văn công với lính đảo.
Trong mỗi chuyến tàu ra thăm đảo thường có đủ mọi thành phần: các ''thủ trưởng'' Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, phóng viên báo chí... Và, thành phần không thể thiếu là đội văn nghệ xung kích hoặc đoàn văn công đủ các ''quân, binh chủng'' đã được chọn lọc. Đây mới chính là tâm điểm của mỗi chuyến đi và là nỗi háo hức, mong chờ của mỗi người lính ở Trường Sa.
Trong chuyến công tác của đoàn cán bộ TP Hà Nội đi thăm CBCS, đồng bào ở huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) tháng 5-2010, ngoài Trưởng đoàn công tác là chị Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; chị Nguyễn Thị Minh Hà, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội (cả hai đều là nữ đại biểu Quốc hội), tôi bắt gặp một gương mặt quen quen. Thì ra, đó chính là nữ diễn viên Khánh Hòa, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, người đã tham gia chuyến công tác rất ấn tượng của TP Hà Nội đến Trường Sa hồi tháng 4-2009, nay lại xung phong ra đảo lần thứ hai để phục vụ CBCS. Gặp nhau ngay sau khi tàu nhổ neo rời quân cảng Cam Ranh, Hòa tâm sự: ''Lần trước, kết thúc chuyến thăm 15 ngày cùng đoàn công tác của Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm đến với CBCS trên quần đảo Trường Sa, về đến TP Hồ Chí Minh, vì say sóng suốt chuyến đi, em phải nhập viện ngay để tiếp nước, sụt mất 4kg. Song lần này, em vẫn quyết định xin đi vì tình yêu người lính. Trường Sa như một tấm gương soi. Có ra đến đảo mới thấy hết sự hy sinh quên mình của những người lính biển với Tổ quốc và nhân dân chị ạ''.
Quả thật, trong suốt cả chuyến đi, tôi đã được chứng kiến tình cảm dạt dào, sự yêu thương, kính phục của Khánh Hòa và các đồng nghiệp của cô ở Sở VH,TT&DL Hà Nội dành cho CBCS và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Không chỉ biểu diễn hết mình tại mỗi điểm đảo, phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của CBCS và nhân dân, với tấm lòng của những người chị, người em gái ở hậu phương. Những nghệ sĩ Khánh Hòa, Ngọc Ánh (NSƯT, Phó Trưởng đoàn Nhà hát Chèo Hà Nội), Thu Hằng (Nhà hát Chèo Hà Nội), Vân Anh (Nhà hát Cải lương Hà Nội)... đã quên đi mệt nhọc, luôn thăm hỏi, chuyện trò với CBCS, giúp họ làm bếp, nhặt rau, trao đổi số điện thoại, tặng sổ tay, lưu bút... làm CBCS vơi đi nỗi nhớ nhà.
Lại nhớ, hôm xuống xuồng để đến thăm Nhà giàn DK1, sóng rất to làm cho con xuồng mỏng manh liên tục chao đảo. Khi đặt chân trèo lên nhà giàn, choáng váng vì độ cao, Vân Anh, diễn viên Nhà hát Cải lương Hà Nội đã òa khóc vì sợ hãi. Vậy mà, vừa lên đến nơi, cô ca sỹ trẻ đã cùng các đồng nghiệp say sưa hát hết mình phục vụ CBCS. Tại đây, đoàn đã có buổi biểu diễn, giao lưu thật cảm động. Trước khi chia tay CBCS trở về tàu, Khánh Hòa còn cởi chiếc đồng hồ đeo tay tặng cho một chiến sỹ và ''thơm'' lên má Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, Chỉ huy nhà giàn khiến cho người sỹ quan Hải quân nhân dân dạn dày với sóng gió đỏ mặt vì vui sướng.
Tấm lòng người mẹ hậu phương
Nếu như các diễn viên, ca sỹ... luôn được CBCS đón tiếp với tâm trạng háo hức, thì sự có mặt của Trưởng đoàn công tác Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Minh Hà, lại đem đến cho CBCS tình cảm ấm áp của người mẹ, người chị ở hậu phương và là nguồn động viên không gì so sánh được. Với tư cách là trưởng đoàn, lại là nữ đại biểu Quốc hội nên ngay từ công tác chuẩn bị đến hoạt động thăm hỏi, tặng quà suốt chuyến đi đến huyện đảo Trường Sa của đoàn công tác TP Hà Nội đều chu đáo, tỉ mỉ, đầy đặn ân tình. Cảm động nhất là khi đặt chân lên đảo Cô Lin - một đảo chìm đã từ nhiều tháng nay không có mưa, thiếu nước ngọt trầm trọng, anh em CBCS phải dè xẻn từng giọt nước, không dám tắm giặt. Thấy anh em mồ hôi đầm đìa, ngại ngần không dám đến gần đoàn công tác, chị Doãn Thanh đã chủ động choàng tay ôm Đảo trưởng - Đại úy Nguyễn Trung Phương (quê Cầu Giấy, Hà Nội) và các chiến sỹ.
Còn với chị Nguyễn Thị Minh Hà, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, chuyến công tác đầu tiên đến với Trường Sa cũng là một trải nghiệm thú vị. Lãnh đạo ''đội quân tóc dài'' của TP Hà Nội, chị Hà đã nhiều lần cùng chị em phụ nữ Thủ đô lặn lội lên biên giới thăm hỏi, động viên, tặng quà các đơn vị bộ đội kết nghĩa với Hội LHPN Hà Nội. Những món quà của Hội do bàn tay phụ nữ chăm chút cũng rất được bộ đội ưa thích. Đó là những chiếc áo len, khăn len do các mẹ, các chị Hà thành đan tặng, hay những cặp lồng ủ cơm cho CBCS những ngày giá rét... Thay mặt phụ nữ Hà Nội đến với Trường Sa, ngoài những món quà thiết thực của chị em gửi tặng, chị Hà dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên CBCS cũng như tìm hiểu tâm tư tình cảm, đời sống của bộ đội và nhân dân trên đảo để về tiếp tục phát động phong trào phụ nữ Hà Nội ủng hộ bộ đội Trường Sa. ''Lần đầu đến với Trường Sa, lần đầu tiên biết thế nào là đảo chìm, đảo nổi; càng cảm nhận hết nỗi hy sinh, vất vả cũng như những tấm gương dũng cảm của bộ đội, chúng tôi càng thêm tự hào và tin tưởng ở lớp lớp CBCS. Sau khi đi Trường Sa trở về, phụ nữ Hà Nội sẽ có thêm nhiều hành động thiết thực hướng về biên giới, hải đảo'' - chị Nguyễn Thị Minh Hà chia sẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.