(HNM) - Ngày 13-10-2015, tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV - hội nghị có ý nghĩa quan trọng diễn ra trước thời điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI - một số ý kiến đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại được rút ra từ vụ việc vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) tại tòa nhà 8B Lê Trực.
Đặc biệt, người lãnh đạo cao nhất của thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng đã dành nhiều thời gian phát biểu trước hội nghị về vụ việc này. Đó có thể coi là những bài học lớn về công tác cán bộ, công tác quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp…
Như khẳng định của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, những năm qua, đặc biệt trong năm 2015, Hà Nội đã làm được rất nhiều việc trọng đại. Trong đó có những việc khó, việc phức tạp, có những vấn đề rất nhạy cảm, liên quan tới nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đòi hỏi cách thức xử lý linh hoạt, cẩn trọng, song phải hết sức kịp thời, giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách đặt ra đối với thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, nếu để nhân dân bình chọn sự kiện trong năm 2015 thì có khi chỉ đề cập tới việc thay thế cây xanh, vỡ đường ống nước Sông Đà và những vi phạm của chủ đầu tư tại tòa nhà 8B Lê Trực. Đây là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận và phần nào lấn át công sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô khi đã làm tốt một khối lượng lớn các công việc trong thời gian qua. Điều đó khiến nhiều cán bộ, đảng viên cùng những người dân có trách nhiệm với Thủ đô không thể tránh khỏi tâm trạng day dứt, áy náy, thậm chí cảm thấy "như bị xúc phạm" (cách dùng từ trong phát biểu của Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt). Ấy là những điều rất đáng phải suy nghĩ, rõ ràng có nhiều vấn đề được rút ra từ những vụ việc trên. Và trước hết như nhìn nhận của Bí thư Thành ủy là công tác thông tin, tuyên truyền có lúc, có nơi, có việc còn chưa đầy đủ và kịp thời, mối quan hệ hợp tác với các cơ quan báo chí chưa chặt chẽ, thậm chí có cả sự né tránh...
Giai đoạn 2010-2015, Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt tới việc tăng cường công tác quản lý, bảo đảm TTXD đô thị bởi đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định diện mạo phát triển của Thủ đô. Do đó, hầu hết các vụ việc vi phạm tồn đọng, phức tạp nhiều năm được xử lý dứt điểm; tại nhiều quận, huyện, tỷ lệ công trình xây dựng được cấp phép đã đạt trên 90%, có những nơi đạt trên 95%. Thành phố cũng đã kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm TTXD, đặc biệt là những vi phạm nghiêm trọng như vượt tầng, quá chiều cao, sai phép… Phương pháp, cách thức xử lý các sai phạm cũng đã được đúc rút thành quy trình thống nhất từ thành phố tới cơ sở, trong đó có sự phân cấp rõ ràng trách nhiệm cùng những biện pháp mạnh như cắt điện, nước, đình chỉ thi công, cưỡng chế phần sai phép, nếu công trình hoàn thiện thì không cho đưa vào khai thác, sử dụng, không cho phép giao dịch, mua bán…
Chúng ta không thiếu các biện pháp mạnh, nhưng vấn đề là việc thực hiện, trách nhiệm của lực lượng chức năng, trước tiên ngay từ cơ sở.
Với những vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, các vi phạm của chủ đầu tư đã được lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, yêu cầu dừng thi công để khắc phục sai phạm. Song, trong khi chủ đầu tư đã không thực hiện và tiếp tục thi công thì lực lượng chức năng lại không xử lý kiên quyết và triệt để, đồng thời cũng không khẩn trương báo cáo lãnh đạo thành phố…
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị một lần nữa khẳng định, thành phố cương quyết, nhất quán trong xử lý vi phạm TTXD tại số 8B phố Lê Trực như đã từng làm trong những năm qua. Điều đó đồng nghĩa, chủ đầu tư công trình phải thực hiện nghiêm các thông số kỹ thuật trong giấy phép được cấp. Đã là kỷ cương, quy định của pháp luật thì không thể có trường hợp ngoại lệ. Chỉ có một cách thức xử lý duy nhất cho những vi phạm dù đó là công trình nhỏ, hay công trình lớn. Đó là tuân thủ chặt chẽ kỷ cương, phép nước.
Ấy vậy thật nực cười khi những ngày qua có những ý kiến xuất hiện trên công luận cho rằng, nếu công trình này cắt phần chiều cao vượt giấy phép (16m) và thực hiện giật cấp, đúng diện tích sàn xây dựng theo giấy phép (hiện tăng thêm hơn 6.000m2) thì sẽ làm lệch trọng tâm công trình, kiểu dáng kiến trúc mất cân đối... Phải chăng những ý kiến kiểu đó là nhằm bênh chủ đầu tư? Và phần nào đó người nêu vấn đề muốn "tế nhị" đề đạt với lãnh đạo TP Hà Nội chấp nhận những sai phạm về TTXD tại 8B Lê Trực như một việc đã rồi? Phải khẳng định, đây là những "sáng kiến" không thể chấp nhận, không thể nhân nhượng trước mọi sai phạm với bất cứ lý do gì; không thể để sự sai phạm của một công trình được tồn tại, trở thành ngoại lệ, đứng ngoài sự quản lý của luật pháp. Với những sai phạm nghiêm trọng về TTXD của tòa nhà 8B Lê Trực cần coi đây là trường hợp điển hình, phải kiên quyết xử lý nghiêm để phát huy tác dụng răn đe đối với các chủ đầu tư khác trong việc nghiêm túc thực hiện những quy định của luật pháp, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay và tương lai khi thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ với hàng trăm, hàng nghìn công trình hằng ngày được khởi công xây dựng để phục vụ quá trình phát triển.
Sự cương quyết, nhất quán trong xử lý vi phạm TTXD của lãnh đạo TP Hà Nội như khẳng định của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ từ dư luận xã hội.
Cùng với đó, như nhấn mạnh của Bí thư Thành ủy Hà Nội, song song với việc chỉ đạo các cơ quan liên quan với xử lý công trình vi phạm, phải kiểm điểm xử lý nghiêm những cán bộ có liên quan. Cụ thể như văn bản báo cáo Chính phủ của UBND TP Hà Nội: "Trong quá trình xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng; Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, việc kiểm tra không thường xuyên và kịp thời, xử lý những sai phạm không kiên quyết và triệt để, nên dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng như hiện nay". Thực tế đã có tới 27 văn bản của các cơ quan chức năng được xác lập qua kiểm tra, xử lý các vi phạm của chủ đầu tư. Nhưng kết quả cuối cùng là chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công. Những "công bộc" của dân như vậy liệu đã làm tròn nhiệm vụ được giao?
Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác cán bộ nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của bộ máy hành chính và thực tế đã tạo nên những chuyển biến quan trọng. Đây cũng chính là một trong ba khâu đột phá được Thành ủy Hà Nội lựa chọn trong giai đoạn 2015-2020. Và việc xử lý nghiêm trách nhiệm của những cán bộ có liên quan trong vụ việc nêu trên cũng chính là nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Có thể số tiền mà chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực phải bỏ ra để khắc phục là không nhỏ; có thể tới đây một số cán bộ có liên quan đến vụ việc này tùy theo mức độ sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật nghiêm. Ấy là những bài học thực sự đắt giá, song rất cần thiết để giữ nghiêm trật tự kỷ cương, để xây dựng chuẩn mực và ý thức "Thượng tôn pháp luật" của toàn xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.