Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhọc nhằn nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”

Minh Huệ| 08/03/2012 19:26

(HNMO)- Hôm nay 8-3, cánh “mày râu” trên toàn thế giới lại có dịp để được tôn vinh cánh “chân yếu, tay mềm”! Do tính chất công việc nên ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, tôi có dịp ra ngoại thành Hà Nội công tác và ngẫu nhiên, hay nói đúng hơn là may mắn được chứng kiến sự tảo tần, chịu thương, chịu khó của các bà, các chị nơi thôn quê…

Gần như đã thành thông lệ, cứ sau dịp Tết Nguyên đán hằng năm, người nông dân lại tất bật chuẩn bước vào vụ cấy lúa xuân. Đúng ra, hôm nay đã qua khung thời vụ cấy khoảng 5 ngày, nhưng với một số huyện ngoại thành Hà Nội như: Thanh Trì, Hoài Đức… có “truyền thống” cấy muộn thì thời điểm này lại đang nhộn nhịp cấy lúa xuân. Bởi vậy, một hai hôm nay, ở các vùng quê kể trên, trái ngược với không khí ồn ào, náo nhiệt nơi đô thị, những người phụ nữ nghèo vẫn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với nghề cấy mướn. Ngày 8-3 của họ không có hoa cũng chẳng có quà, với họ chỉ cần được ai đó thuê cấy đã là niềm hạnh phúc lắm rồi!

Trời vừa tờ mờ sáng, từng đoàn người đi cấy thuê đã theo chủ ruộng kéo nhau ra đồng. Dàn thành hàng ngang. Chiếc khăn che kín đầu và cổ, chỉ chừa khuôn mặt, trên đội chiếc nón lá. Vạt áo bó gọn gàng trong thắt lưng quần, hai ống quần được xắn lên tới bắp chân, tay phải cầm nọc cấy, tay trái cầm bó mạ đã được rải đều đều sau lưng mỗi người. Bằng những động tác gọn gàng, dẻo dai, họ cấy nhanh thoăn thoắt những cây lúa dăm thành những hàng thẳng tắp và đều đặn...

Trái ngược với cảnh náo nhiệt trong ngày hôm nay (8-3) nơi đô thị, những người phụ nữ này vẫn cặm cụi với đồng ruộng


“Nghề cấy lúa thuê cứ nghĩ là đơn giản nhưng thực chất lại rất kén người. Cấy làm sao vừa thẳng hàng, vừa đẹp mà lại phải nhanh. Điều quan trọng nhất là phải làm vừa ý chủ ruộng nữa”- chị Loan (ở Mậu Lương, Kiến Hưng, Hà Đông) chia sẻ. Cứ vào mùa cấy, chị lại tranh thủ cấy nhanh ruộng nhà để dành khoảng thời gian còn lại trong mùa đi cấy thuê cho hàng xóm, cho những gia đình nhiều ruộng nhưng thiếu lao động. Tiền công từ 160-170 nghìn đồng/sào/ngày; cơm ăn 3 bữa thì gia chủ nuôi. Theo lời chị như thế cũng được coi là hậu hĩnh.

Khác với chị Loan chỉ cấy thuê cho những gia đình gần nhà thì có những người phải lặn lội đường sá xa xôi từ nơi này tới nơi khác để xin cấy mướn. Chị Lê (huyện Quốc Oai- Hà Nội)- người có thâm niên 3 năm đi cấy, gặt thuê cho biết: “Nhận thấy ngày càng có nhiều người bận rộn với công việc làm ăn hoặc vì nhiều lý do họ sẵn sàng bỏ tiền ra thuê người cấy, gặt hộ. Huyện Quốc Oai thường cấy sớm hơn ở các nơi nên sau khi cấy xong mấy sào ruộng của gia đình mình, chị thường tìm tới các làng khác, các xã của các huyện khác để kiếm thêm “đồng ra đồng vào”. Trong vụ này, chị đã cấy thuê không chỉ ở huyện Thạch Thất, Hoài Đức, mà còn đi xe đạp tới các xã của huyện Thanh Trì (cách nhà cả mấy chục cây số) để xin cấy thuê. Có gia đình hào phóng trả công 200 nghìn/ngày, cơm nước đầy đủ chỉ cần làm cẩn thận cho họ. “Con cái cũng lớn nên tự lo cho nhau được. Đứa lớn trông đứa bé. Đi cấy thuê tuy vất vả nhưng tiền công 1 ngày cũng bằng mấy hôm đi chợ bán rau. Đến vụ gặt thì cả 2 vợ chồng cùng đi. Mỗi vụ chỉ vất vả trong chục ngày rồi lại nhàn không có gì làm nữa”- chị Lê vừa cặm cụi cấy, vừa bộc bạch.

Hầu hết, những người đi cấy thuê không chỉ đi một mình mà thường đi theo nhóm từ 3 đến 4 người. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn mong kiếm thêm chút ít để cải thiện cuộc sống.

Ngày 8-3 năm nay cũng như mọi ngày khác, những người phụ nữ cấy thuê không có thời gian nghỉ ngơi , không được nhận những món quà, những bó hoa và càng không bao giờ nghĩ tới được xúng xính trong những bộ váy áo thời trang. Ngược lại, họ phải thức khuya, dậy sớm để mong nâng cao hiệu suất lao động trong ngày. Cả ngày phải cúi gập người, chân ngập dưới bùn đất, nên tối về lưng thì đau ê ẩm, chân tay mỏi nhừ. Thế nhưng, những phụ nữ cấy thuê vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì số tiền họ kiếm được cũng kha khá và hơn thế là bằng chính mồ hôi, công sức của mình.

Vui vẻ với công việc của mình


Dẫu biết cũng vì cuộc sống mưu sinh, xã hội phân công mỗi người mỗi việc. Nhưng, một lần chứng kiến cảnh các bà, các chị “dàn quân trên đồng” cấy lúa vào ngày hôm nay, thêm một lần nữa mới thấy hết được những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Họ thật đáng trân trọng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhọc nhằn nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.