(HNM) - Sự chuẩn bị cho vụ xuân trên địa bàn Hà Nội, như thực tế đang diễn ra, có thể gói gọn trong hai từ: Chủ động và đồng bộ. Trong đó, ngành Nông nghiệp đã sớm xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ khi vụ đông đang diễn ra, đồng thời triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho địa phương gặp khó khăn.
Sự chuẩn bị chủ động, đồng bộ không bao giờ thừa, nhất là với ngành vốn dĩ chịu nhiều rủi ro như Nông nghiệp, bởi thiên tai, nhất là những diễn biến khó lường do biến đổi khí hậu cùng với dịch bệnh luôn thường trực. 120.000ha gieo trồng của vụ xuân năm nay, bao gồm khoảng 98.000ha lúa xuân, còn lại là các loại cây trồng khác, xét về giá trị rõ ràng không nhỏ, nhất là với người nông dân hầu như phải “một nắng, hai sương”, cũng như sẽ đóng góp tỷ trọng lớn cho ngành Nông nghiệp.
Sự chuẩn bị chủ động, đồng bộ không chỉ giúp giảm thiệt hại nếu rủi ro xảy ra mà quan trọng hơn là để vụ sản xuất giành kết quả cao nhất. Kinh nghiệm từ vụ xuân 2018 là một ví dụ khi thời tiết vẫn là một thách thức lớn với rét đậm, rét hại kéo dài; nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng… Ở góc nhìn rộng hơn, mặc dù giá trị sản xuất nông nghiệp năm qua tiếp tục tăng nhưng về “chất”, vụ xuân nói riêng, sản xuất toàn ngành nói chung vẫn có nhiều điểm yếu - dù đã được nhận diện từ lâu, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khắc phục song mức độ cải thiện chưa tương xứng. Đó là: Sản xuất chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình. Mức độ ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế. Hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm còn yếu…
Mục tiêu năm 2019, ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng 2,5%-3%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt hơn 131 triệu đồng, tăng 8,9% so với năm 2018… đòi hỏi đóng góp tích cực từ nhiều “mũi”, lĩnh vực, trong đó vụ xuân giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu, và cách làm, định hướng cả trước mắt cũng như lâu dài đóng vai trò quyết định.
Trước hết, như ở trên đã đề cập, sự chuẩn bị chủ động, đồng bộ, có tính đến phương án tháo gỡ khó khăn của ngành Nông nghiệp, các địa phương và người sản xuất vô cùng quan trọng, nhất là trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến thất thường. Đặc biệt, các địa phương, người sản xuất cần bám sát định hướng để tránh tình trạng “thừa - thiếu” nông sản cục bộ như đã từng xảy ra và đã được khuyến cáo.
Thứ hai, cũng từ cơ cấu sản xuất vụ xuân, nên chăng người sản xuất có phương án tiếp tục nhân rộng mô hình phát triển nông sản đặc sản mà thực tế thời gian qua đã có những thành công nhất định, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường.
Thứ ba, về lâu dài, nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo đột phá cho không chỉ vụ xuân mà cả các “mũi”, lĩnh vực sản xuất khác của ngành Nông nghiệp vẫn là tập trung phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, trọng tâm là sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn... Ở đó, một mũi nhọn là sản xuất giống cây trồng có năng suất chất lượng cao, từ đó nhân rộng vào sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.