Nông nghiệp

Nhà nông vào vụ sản xuất lớn nhất năm

Ngọc Quỳnh 18/01/2024 - 06:34

Như thường lệ, nhu cầu sử dụng thực phẩm, nhất là thịt, trứng, cá, rau xanh… của người dân dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Do đó, những ngày này, các chủ trang trại, hợp tác xã và nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung cao độ cho vụ sản xuất quy mô lớn nhất năm để cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn 2024.

gia-cam.jpg
Chăm sóc đàn gà tại xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì). Ảnh: Hương Giang

Sẵn sàng cung ứng các loại nông sản

Huyện Mê Linh là vựa rau lớn nhất của Hà Nội. Hiện tại, nông dân các xã Tiền Phong, Tráng Việt... đang tập trung chăm sóc rau màu để phục vụ thị trường dịp Tết Giáp Thìn 2024. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết, để phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán, các thành viên hợp tác xã đang trồng nhiều loại rau, như: Cải chíp, củ cải, su hào, bắp cải, súp lơ, cà chua,… “Năm nay thời tiết thuận lợi, nên cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng đạt cao. Dự kiến dịp trong và sau Tết Nguyên đán sắp tới, hợp tác xã cung cấp khoảng 350-400 tấn rau/ngày”, ông Đàm Văn Đua cho hay.

Tương tự, các trang trại chăn nuôi cũng đang tập trung chăm sóc, vỗ béo đàn vật nuôi để chuẩn bị nguồn cung cho thị trường dịp Tết này. Theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường, hợp tác xã duy trì khoảng 200 con lợn thương phẩm và đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng tiện ích khoảng 4-5 tạ/ngày... Vào những ngày cận Tết, hợp tác xã có thể cung cấp số lượng gấp đôi so với ngày thường.

Nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện Ba Vì đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng nguồn cung thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Hải (xã Phú Châu, huyện Ba Vì) chia sẻ, gia đình bà nuôi 4.000 con gà thịt để phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Hiện toàn bộ đàn gà này đã được các thương lái đăng ký thu mua.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, để bảo đảm hàng hóa cho thị trường dịp Tết, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố, phát triển 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn. Trong đó có sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rau, củ, quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An...

Ổn định giá cả nông sản, thực phẩm

Theo nhận định của Sở NN&PTNT Hà Nội, so với mọi năm, giá bán nông sản dịp Tết năm nay có thể không tăng cao, thậm chí nhiều mặt hàng, như: Thịt lợn, rau xanh... có xu hướng giảm nhẹ. Do đó, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp cần bám sát tình hình cung - cầu, giá cả thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh cung vượt cầu, giá giảm mạnh khi vào vụ thu hoạch.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ, người tiêu dùng bắt đầu mua sắm trong khoảng 3-4 tuần trước Tết Nguyên đán; năm nay dự kiến giá cả ổn định và có thể một số thực phẩm tươi sống sẽ tăng nhẹ vào những ngày cận Tết. Công ty đã thống nhất về giá với nhà cung cấp, bảo đảm không tăng giá từ nay đến Tết.

Còn Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho hay, dịp Tết năm nay, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, nên ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng, các doanh nghiệp cũng chủ động cung cấp những sản phẩm có giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường để phục vụ người tiêu dùng. Nhìn chung, hàng hóa dịp Tết năm nay tại các chợ đầu mối hay các siêu thị lớn khá phong phú, giá cả bình ổn. Để tăng sức mua của người dân, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc trưng vùng miền có tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm nâng cao giá bán cho nông dân vào vụ thu hoạch lớn nhất năm.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay, để ổn định nguồn cung nông sản thực phẩm dịp Tết và tránh tình trạng cung vượt cầu, Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, bám sát tình hình cung cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn, kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

“Sở cũng sẽ tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lượng lớn, như: Rau, thịt, thủy sản, hoa, quả...; đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà nông vào vụ sản xuất lớn nhất năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.