(HNM) - Sau nhiều năm bị gián đoạn, mới đây, TP Hồ Chí Minh tái khởi động nghiên cứu đề án thu phí xe ô tô vào khu trung tâm thành phố nhằm góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, việc thu phí không những khó đạt mục tiêu mà còn gây tốn kém bởi kinh phí đầu tư lớn.
Năm 2020 sẽ thu phí (?)
Đề án thu phí xe ô tô vào khu vực trung tâm thành phố được UBND TP Hồ Chí Minh giao Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) nghiên cứu từ năm 2010 và năm 2012 thành phố tạm dừng đề án. Tháng 4-2017, UBND thành phố một lần nữa đồng ý chủ trương cho phép ITD tự cân đối kinh phí để tiếp tục nghiên cứu, lập đề xuất dự án. Mới đây, ITD đã báo cáo Sở Giao thông - Vận tải thành phố đề án sau khi đã chỉnh sửa, bổ sung.
Theo các chuyên gia giao thông, đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh khó khả thi. |
Theo đó, ITD dự kiến sẽ lập vành đai các tuyến đường (nằm trên địa bàn các quận 1, 3, 5, 10) bao quanh khu vực trung tâm. Giai đoạn đầu sẽ xây dựng 36 cổng thu phí không dừng trên vành đai khép kín. Giai đoạn tiếp theo sẽ bổ sung 3 cổng thu phí trên các tuyến đường khu vực Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là đường Trường Sơn, Trường Chinh, Cộng Hòa. Thời gian thu phí dự kiến từ 6h đến 17h hằng ngày, mức thu từ 30.000 đến 50.000 đồng/lượt (tùy loại phương tiện).
ITD sẽ sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số, thay vì sử dụng thiết bị OBU như lần trước. Công nghệ này bảo đảm khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ô tô/giờ/làn xe. Tổng mức đầu tư của đề án tăng hơn 1.600 tỷ đồng (giai đoạn đầu nghiên cứu là 1.200 tỷ đồng).
Theo lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, Sở đã đề nghị nhà đầu tư tiếp nhận góp ý của các sở, ngành nhằm làm rõ những vấn đề còn chưa thống nhất, khúc mắc trong đề án; sau đó, gửi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh xem xét mới có cơ sở lập dự án. Nếu điều kiện thuận lợi, dự kiến đến năm 2020, việc thu phí sẽ triển khai.
Khó khả thi
Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị cho hay, đề án đặt mục tiêu giải quyết tình trạng kẹt xe khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, nhưng lại lập trạm thu phí là không khả thi. Bởi, khu vực nội đô hiện đã quá tải về hạ tầng giao thông, đường sá, nếu lập xấp xỉ 40 trạm thu phí bao quanh vành đai với khoảng 10km2 thì khu trung tâm không khác gì bị bọc trong “vòng kim cô”. Mặt khác, nếu thu phí, không ít các phương tiện ô tô sẽ chạy lòng vòng bên ngoài vành đai, khi đó tình hình giao thông còn phức tạp hơn. Trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh, các phương tiện công cộng khối lượng lớn, hiện đại chưa hình thành, vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng kỳ vọng..., nếu chỉ đưa ra giải pháp đơn lẻ, nặng tính công nghệ như trên sẽ không hiệu quả. Chưa kể, đề án chưa làm rõ những thông số cơ bản về đặc điểm giao thông đô thị như: Nhu cầu, số lượng thực tế người dân và phương tiện ra, vào khu vực trung tâm ở các khung giờ khác nhau; tỷ lệ người dân đi phương tiện vận tải công cộng, đặc điểm giao thông từng tuyến đường ở khu trung tâm…
Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, đề án mà ITD đưa ra mang tính cục bộ địa phương và không phù hợp trong giai đoạn này. Bởi nếu TP Hồ Chí Minh áp dụng thì thời gian tới, các thành phố lớn khác như: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… cũng đề xuất và làm theo. Khi đó, mỗi địa phương sẽ có cách triển khai khác biệt, sẽ gây phiền phức cho các chủ xe ô tô thường xuyên chạy liên tỉnh, cộng với kinh phí triển khai tốn kém, không mang lại hiệu quả. Do đó, đề án cần được đề xuất lên Bộ Giao thông - Vận tải, chứ không chỉ bó hẹp tại TP Hồ Chí Minh. Về lâu dài, khi đề án khả thi có thể áp dụng một mẫu chung cho cả nước, thay vì mỗi địa phương một kiểu.
Cũng theo ông Ngô Viết Nam Sơn, thay vì bỏ ra số tiền lớn đầu tư vào dự án mà chưa biết hiệu quả đến đâu, TP Hồ Chí Minh nên triển khai các biện pháp hiệu quả trước mắt. Trước hết, cần xử phạt nghiêm tình trạng đậu xe ô tô không đúng nơi quy định trên các tuyến đường khu trung tâm; cắm biển thu phí đậu xe tại các tuyến đường phù hợp với mức giá cao gấp 5 đến 10 lần so với hiện nay; xây dựng các bãi giữ xe ngoài vành đai trung tâm với mức thu hợp lý... Khi đó, không những hạn chế xe ô tô vào trung tâm mà còn khuyến khích người dân tham gia phương tiện công cộng. Số tiền thu được từ các bãi giữ xe sẽ được đầu tư phát triển mạng lưới xe buýt, ưu đãi giá vé cho người dân sống trong khu trung tâm. Tất cả sẽ là động lực để người dân đi xe buýt nhiều hơn, ô tô vào trung tâm ít hơn và thậm chí, tại các cao ốc sẽ ưu tiên chú trọng xây các hầm, đáp ứng nhu cầu gửi xe...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.