Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều việc phải làm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Ngọc Quỳnh| 17/08/2022 07:28

(HNM) - Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tăng cường thả cá giống tại sông hồ với nhiều chủng loại có giá trị bảo tồn. Tuy nhiên, để nhân rộng công tác này còn nhiều việc phải làm...

Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội thả cá giống tại sông Hồng, đoạn chảy qua xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín). Ảnh: Ánh Ngọc

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Phích, xã hiện có 9 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 40.000m2, tiếp giáp với mặt nước sông Hồng, chiều dài khoảng 5km. Để ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm hạn chế việc đánh bắt tận thu, hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, hằng năm, xã phối hợp với các ngành chức năng thả cá phóng sinh để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tương tự, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng cho biết, vừa qua huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội thả 360kg cá giống gồm: Chép, trôi, trắm đen... xuống sông Tích, đoạn chảy qua địa phận thôn Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên và sông Bùi, đoạn qua địa phận thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương, nhằm tái tạo nguồn thủy sản tự nhiên. Huyện Chương Mỹ cũng kết hợp tuyên truyền về ý nghĩa của công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức của người dân trong việc không nên đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt như sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc...

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn, từ đầu năm đến nay, Chi cục đã phối hợp với các xã: Phong Vân, Cổ Đô (huyện Ba Vì); Thủy Xuân Tiên, Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ); Hương Sơn, Đốc Tín (Mỹ Đức) thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Loài cá được thả tại các sông: Tích, Bùi, Đà, Hồng, Đáy và suối Yến, gồm: Cá chày mắt đỏ, cá lăng chấm, cá ngạnh, cá trắm đen, cá chép... Trung bình mỗi năm, Hà Nội đã thả 1-2 tấn cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hệ thống các sông.

“Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn khó khăn do một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc sử dụng xung điện, lưới có cỡ mắt nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Việc thả cá tái tạo nguồn lợi được thực hiện hằng năm nhưng mới phục hồi được một phần nhỏ...”, ông Tạ Văn Sơn cho biết thêm.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, theo ông Lê Văn Tín, hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa), các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ dân để hạn chế tối đa việc đánh bắt cá tự nhiên ở sông hồ.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua các hoạt động thả cá giống là loài có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh kiểm tra tình hình khai thác cá mòi trên sông Hồng, xử lý nghiêm một số hành vi sử dụng dụng cụ đánh bắt tận diệt trong khai thác thủy sản.

Về lĩnh vực này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Sở sẽ tiếp tục vận động các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân, tăng ni, Phật tử trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa phục vụ hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản. Mặt khác, ngành cũng tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, tái tạo, phát triển các loài thủy sản quý hiếm, đặc trưng trên địa bàn thành phố, kết hợp hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản tại các khu vực tiềm năng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều việc phải làm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.