(HNM) - Văn miếu, văn từ, văn chỉ cùng hệ thống bia đá, bảng vàng, sắc phong, thần phả có mặt ở nhiều vùng, miền của đất nước, là biểu tượng cho nền văn hiến, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt Nam.
Ông Đào Mạnh Huân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hưng Yên cho biết: Hưng Yên có 18 di tích Nho học nhưng hầu hết đã bị xuống cấp. Nếu không tìm hiểu qua sách vở hiếm người biết được huyện Tiên Lữ có văn chỉ Thụy Lôi, Dị Chế; huyện Mỹ Hào có văn chỉ Cẩm Xá, Phùng Chí Kiên… vì các di tích này rơi vào cảnh hoang phế, không gian bị lấn át. Di tích Nho học bề thế nhất ở Hưng Yên là Văn Miếu Xích Đằng cũng có một số hạng mục đổ nát, xuống cấp nhưng quy hoạch tổng thể về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích này đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Di tích Nho học Văn Miếu Xích Đằng đã xuống cấp, cần được bảo tồn và tôn tạo. |
Tương tự, nhiều hạng mục của Văn Miếu Huế bị xuống cấp từng ngày, từng giờ. Ngoài hai dãy nhà bia và Linh Tinh Môn mới được trùng tu thì các hạng mục còn lại. như: Văn Miếu (điện thờ Khổng Tử và Tứ Phối, thập nhị triết); hai nhà Đông Vu và Tây Vu (thờ thất thập Nhị Hiền và các tiên Nho); Thần Trù (nhà bếp); Thần Khổ (nhà kho)… đã xuống cấp gần như hoàn toàn, xung quanh cỏ mọc um tùm, người dân mang trâu, bò vào chăn thả… Văn Miếu Bắc Ninh, nơi vinh danh 616 vị đại khoa của vùng đất Kinh Bắc ở khu 10, phường Đại Phúc (TP Bắc Ninh) đã hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo và đưa vào sử dụng từ năm 2008 nhưng hiện nay vẫn hiếm khách đến tham quan, tìm hiểu. Thậm chí, nhiều người dân Kinh Bắc khi được hỏi cũng không hay biết quê hương mình có Văn Miếu. Cũng ở Bắc Ninh, 8/8 di tích Nho học đã bị phá hủy hoàn toàn, đến nay chưa có địa phương nào phục dựng được.
Trên địa bàn Thủ đô, hệ thống di tích Nho học cũng đang mai một dần. "Văn chỉ Đông Thọ ở phố Hàng Buồm (Hoàn Kiếm) biến thành nhà trẻ; văn chỉ Hữu Tiệp ở phường Ngọc Hà (Ba Đình) nay là trường học; khu thờ các vị tiên hiền ở ngõ Văn Chương (Đống Đa); văn chỉ Nguyệt Áng (Thanh Trì), Hà Khẩu (Hoàn Kiếm)… chỉ còn giữ lại chút dấu tích cổ", ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng BQL Di tích và danh thắng Hà Nội xót xa.
Tại hội thảo khoa học "Tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học và du lịch tại các di tích Nho học Việt Nam" vừa diễn ra, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thẳng thắn nhìn nhận: Trong số các di tích Nho học còn lại chỉ có Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội có bộ máy tổ chức ổn định, tương xứng với yêu cầu của di tích, trở thành địa chỉ du lịch quan trọng bậc nhất Thủ đô. Số còn lại cái thì bị hư hỏng, biến dạng hoặc mất hẳn, cái thì không khai thác được giá trị. Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này là do bộ máy quản lý chưa đồng bộ, hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, tuyên truyền về di tích còn yếu; sự phối kết hợp giữa các di tích Nho học với các làng khoa bảng chưa bền vững; kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích chưa đáp ứng được nhu cầu… Nguyên nhân khách quan là do đa số di tích Nho học làm bằng vật liệu hữu cơ, chu kỳ xuống cấp nhanh lại thêm sự tàn phá của thời tiết, chiến tranh…
Cần "thổi hồn" vào di tích
Đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức, nhiều ấn phẩm tuyên truyền, giới thiệu về các di tích Nho học được ấn hành. Việc tu bổ, tôn tạo di tích cũng được một số địa phương quan tâm. Vậy tại sao hệ thống di tích Nho học chưa phát huy được giá trị?
Bà Đỗ Thị Tám, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội cho biết: Để hấp dẫn khách tham quan, qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị, ý nghĩa của di tích tới người dân trong nước, khách quốc tế, Trung tâm thường xuyên quan tâm tu bổ, tôn tạo từng hạng mục nhỏ, mặt khác tìm cách "thổi hồn" vào di tích bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trước hết là việc đào tạo đội ngũ thuyết minh viên lành nghề để có thể đáp ứng mọi nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu của người dân và du khách. Tiếp đến, Trung tâm tạo mọi điều kiện cho các trường học, các tổ chức vinh danh, khen thưởng học sinh, sinh viên giỏi, trao học hàm, học hiệu; phối hợp với các đơn vị mở các lớp dạy Hán - Nôm, thư pháp, tổ chức ngày thơ, ngày hội đọc sách… Hơn thế, Trung tâm đưa các sản phẩm lưu niệm đặc trưng, giàu bản sắc văn hóa như: Tranh sơn mài, tranh thêu, đồ thủ công mỹ nghệ, sách, bút… in tên hoặc các mô hình kiến trúc độc đáo của Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào khu dịch vụ để bày bán, giới thiệu cho khách tham quan. Nhờ đó, trung bình mỗi năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đón khoảng gần 2 triệu lượt khách.
Sau khi Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương) hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo (năm 2004), ngành văn hóa tỉnh Hải Dương đã nghiên cứu phục dựng và tổ chức lễ hội vào tháng Hai âm lịch hằng năm; đồng thời gắn di tích Nho học với phong trào khuyến học ở các địa phương. Bằng cách này, Văn Miếu Mao Điền dần trở thành địa chỉ quen thuộc trên bản đồ du lịch Hải Dương, mỗi năm đón hàng vạn khách.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị của hệ thống di tích Nho học ở các địa phương sẽ giúp các di tích "sống" được trong đời sống đương đại, phát triển du lịch nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội nói chung, đồng thời góp phần tăng cường giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc đối với thế hệ trẻ ngày nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.